Nông dân 'gồng mình' chống hạn cứu cây trồng

Nông dân 'gồng mình' chống hạn cứu cây trồng
một ngày trướcBài gốc
Hồ đập trơ đáy
Giữa trưa nắng chói chang, ông Phạm Văn Phu (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vẫn miệt mài đào bới dưới lòng hồ thủy lợi Đắk M’Bai (xã Đắk Lao) với hy vọng bòn vét thêm chút nước từ mạch nước ngầm để cứu vườn sầu riêng của gia đình đang héo rũ. Hồ Đắk M’Bai rộng lớn nay chỉ còn một vũng nước nhỏ giữa hồ. Phía trên bờ, hàng chục chiếc máy bơm nằm im bất động vì không có nước để hút. Ông Phu rầu rĩ, từ cuối tháng 2-2025, hồ Đắk M’Bai đã trơ đáy, các giếng đào, giếng khoan tại khu vực cũng khô kiệt. Sầu riêng đang giai đoạn cho ra hoa nên nguy cơ bị hư hại vì thiếu nước.
Hồ Đắk M'Bai (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trơ đáy
Tại khu vực hồ Đắk M’Bai chỉ còn duy nhất chiếc máy bơm của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (xã Đắk Lao) phát ra tiếng nổ. Để chiếc máy bơm này hoạt động, ông Sơn phải mua nước từ giếng của một hộ dân cách đó hơn 1km để đẩy nước về. “Tôi phải mua nước theo giờ và phải dùng 2 máy bơm để “tăng bo”. Một máy bơm nước từ giếng về hồ rồi máy còn lại mới bơm lên vườn cà phê. Chi phí mua nước rất cao nhưng đây là cách duy nhất để cứu vườn cà phê”, ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, hồ thủy lợi Đắk M’Bai được thiết kế, xây dựng nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 70ha đất nông nghiệp của người dân. Thế nhưng thực tế, diện tích sản xuất tại khu vực này đã lên trên 100ha, dẫn tới tình trạng thiếu nước tưới xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, do hồ được xây dựng từ lâu, không được tu sửa nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, không đảm bảo được khả năng tích nước vào mùa mưa dẫn đến mùa nắng người dân chỉ tưới được 1 đến 2 đợt là hồ đã cạn kiệt nước.
Đi ngược về hướng hồ 40 (xã Đắk Lao), tình trạng khô kiệt cũng tương tự, mặt hồ nứt nẻ và bị đào xới nham nhở. Trên bờ hồ hàng chục chiếc máy bơm nằm xếp hàng nhưng chẳng có chiếc nào hoạt động. Hồ 40 là một trong những hồ thủy lợi lớn nhất ở xã Đắk Lao nhưng đến nay đã hoàn toàn cạn kiệt nước. Nhìn vườn cà phê đang héo rũ từng ngày, anh Tạ Duy Thông (trú thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) đứng ngồi không yên nhưng không thể làm gì hơn.
Anh Thông kể, gia đình anh có 2ha cà phê, nguồn nước tưới phụ thuộc vào hồ 40. Tuy nhiên, hồ đã cạn nước, trong khi gia đình anh chưa kịp tưới đợt nước thứ 2. Không còn cách nào khác, anh cùng hai hộ dân khác trong vùng phải bỏ tiền mua nước từ nơi cách nhà 1,5km. Người dân nơi đây cho biết, nửa tháng trước, nước từ hồ Tây được điều tiết về hồ 40 để tưới tiêu, nhưng lượng nước bơm về nhanh chóng cạn kiệt do hơn 20 máy bơm hoạt động cùng lúc. Hiện đã đến kỳ tưới đợt 3 mà nước vẫn chưa về, trong khi cà phê của nhiều hộ dân đang khô héo.
Hàng ngàn hécta cây trồng bị ảnh hưởng
Ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, cho biết, hiện 6/7 hồ chứa nước của địa phương đã cạn kiệt nước. Nếu trong thời gian tới không có mưa, khoảng 700ha cây công nghiệp của địa phương sẽ thiếu nước, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. UBND xã Đắk Lao và các đơn vị thủy lợi đang triển khai nhiều giải pháp cấp nước tạm thời, trong đó có cấp nước cuốn chiếu, luân phiên từ một số hồ có nước về để phục vụ sản xuất của người dân. Tuy nhiên nếu nắng hạn kéo dài, thì nguồn nước từ các hồ lớn cũng không đảm bảo.
Còn theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Đắk Mil, đến ngày 27-3, dung tích nước tại các hồ, đập chỉ đạt hơn 42%. Hiện 9 công trình thủy lợi đã cạn kiệt. Nếu nắng nóng kéo dài, một số xã như Đắk Lao, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, Đắk R’la sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Ngược về tỉnh Đắk Lắk, tình trạng thiếu nước cho cây trồng cũng xảy ra tại một số khu vực. Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, mực nước trên các sông, suối trong tỉnh có xu hướng giảm. Một số sông suối nhỏ có nguy cơ khô cạn, dẫn đến tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương. Dự kiến, hơn 4.500ha cây trồng ngắn ngày (chủ yếu là lúa) sẽ bị ảnh hưởng, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Lắk, Ea Súp, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin và Cư M’gar. Đối với cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, diện tích bị hạn hán ước khoảng 1.500ha, chủ yếu tại các huyện Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ.
“Khoảng giữa tháng 4-2025, nếu vẫn không có mưa thì phần lớn các cụm đập và hồ chứa trên toàn tỉnh sẽ rơi vào mực nước chết. Do đó, địa phương đang lên phương án chống hạn cho các địa phương; tuyên truyền người dân tiết kiệm nước tối đa để duy trì tưới tiêu đến cuối mùa khô”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk nhận định.
MAI CƯỜNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/nong-dan-gong-minh-chong-han-cuu-cay-trong-post788748.html