Qua thời gian triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, từ khi Đề án được triển khai thực hiện đến nay, toàn vùng thực hiện cắt vụ hằng năm từ 1.379 ha đến 17.975 ha (năm thực hiện cắt vụ ít nhất là năm 2018 và nhiều nhất là năm 2019) tùy theo diễn biến hạn, xâm nhập mặn hằng năm. Từ năm 2021 đến nay, diện tích cắt vụ thu đông hằng năm của khu vực sản xuất phía Đông duy trì khá ổn định (trên 8.500 ha).
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.
Đến nay, khu vực phía Đông của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa 2 vụ/năm với diện tích 10.663 ha (gồm cắt vụ bỏ trống 9.981 ha và luân canh cây màu 682 ha), đạt 129,3% so với mục tiêu đến năm 2025 theo Công văn 467/UBND-KT ngày 21-1-2025 của UBND tỉnh về việc cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông (chấp thuận chủ trương cắt vụ linh hoạt với diện tích cắt vụ hằng năm khoảng 8.250 ha tại huyện Gò Công Đông và TP. Gò Công).
Từ năm 2016 đến nay, toàn vùng đã thực hiện chuyển đổi 7.468 ha đất lúa sang cây trồng khác, vượt 29,3% so với mục tiêu đến năm 2025 (mục tiêu đến năm 2025 là 5.775 ha). Qua tác động tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa nên diện tích đất lúa trong vùng Đề án hiện nay chỉ còn 20.888 ha, giảm 10.568 ha so với trước khi thực hiện Đề án (đất lúa năm 2015 vùng Đề án là 31.456 ha).
Các đại biểu làm việc tại hội nghị.
Trung bình giai đoạn 2016 - 2024, chuyển đổi trồng cây ăn trái hoặc rau màu trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 1,7 - 7,3 lần, cao nhất là rau ăn lá (7,3 lần), bưởi da xanh (4,4 lần), ớt (4 lần), mít (3,8 lần), thanh long ruột đỏ (3,5 lần), dừa (3,3 lần)...
Điều này cho thấy, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả là một chủ trương đúng đắn phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa 3 vụ nên nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Nhìn chung về mặt kinh tế, Đề án giúp tránh thiệt hại do thiên tại hạn, mặn 3.000 tỷ đồng và giúp tăng thu nhập cao hơn trồng lúa từ 1,7 - 7,3 lần (có năm hiệu quả cao hơn lên đến 10,3 lần). Điều này, cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế chính sách rất cao.
Đề án đã mang lại cho vùng các huyện phía Đông một bối cảnh mới, giảm 10.000 ha lúa, tăng 4.000 ha cây ăn trái và trên 3.700 ha rau màu thích nghi, giảm rất lớn áp lực nước ngọt phục vụ sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng đã nêu một số vấn đề để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể, đề nghị các cơ quan nâng cao hơn công tác dự báo dự đoán về khí tượng thủy văn cho đến lựa chọn giống cây trồng. Các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục giữ gìn, nâng cấp và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong khu vực. Chính quyền các địa phương phải có giải pháp chủ động trong bảo trì hệ thống thủy lợi trên địa bàn quản lý.
Đối với người trực tiếp sản xuất kinh doanh, các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền vận động về hiệu quả và tính thiết thực của Đề án. Cùng với đó, các cơ quan phải ghi nhận và khắc phục những khó khăn, vường mắc mà người dân gặp phải. Đồng thời, để Đề án được duy trì bền vững, các cơ quan phải làm cho người dân trong vùng thấy được Đề án mang lại lợi ích cho mình. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tiếp tục có các giải pháp, xây dựng mối quan hệ gắn bó hơn với người trực tiếp lao động, sản xuất để người dân hiểu rõ hơn về các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
C.THẮNG