Nông dân nặng gánh chi phí vật tư nông nghiệp
Những tháng cuối năm 2024, Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có dịp đến thăm HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) chuyên trồng vú sữa và sầu riêng.
Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A Trần Văn Chiến cho biết, năm 2024, HTX có 45 thành viên với quy mô canh tác 45,5ha, trong đó có 25,5ha trồng vú sữa, 20ha trồng sầu riêng. Trong vụ mùa năm 2024, sản lượng thu hoạch vú sữa ước 240 tấn trong đó xuất khẩu tầm 100 tấn còn lại bán cho thương lái bên ngoài. Với sầu riêng ước sản lượng thu hoạch năm 2024 khoảng 350 tấn, định hướng xuất khẩu nhưng chưa đến vụ. Mấy năm trước, sầu riêng cho thu hoạch 300 tấn bán chủ yếu nội địa, thương lái thu mua 80 tấn.
Theo ông Chiến, năng suất và giá cả đang thuận lợi cho các xã viên. Tuy nhiên, bà con xã viên vẫn chưa vui vì từ năm 2021-2022, mặt hàng phân bón tăng sốc, đến thời điểm hiện tại giá có giảm hơn nhưng vẫn ở mức cao, khiến nông dân oằn lưng gánh chi phí vật tư nông nghiệp.
Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A Trần Văn Chiến cho biết giá phân bón chiếm khoảng 40% chi phí vật tư nông nghiệp
Ông Chiến chia sẻ: "Giá phân bón chiếm khoảng 40% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Trồng lúa, hay trồng cây ăn trái là nghề nghiệp của người nông dân nên dù chi phí có tăng, dù có thua lỗ chúng tôi vẫn phải làm".
Còn tại vườn trái của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ có 1,3ha trồng sầu riêng. Theo ông Thọ, trồng sầu riêng, chi phí vật tư nông nghiệp cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Đã vậy, giá sầu riêng không ổn định, có thời điểm giá lên đến 130.000 – 150.000đồng/1kg, nhưng có khi nông dân chỉ bán 50.000 – 55.000đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ phân bón, thuốc trừ sâu…, người nông dân còn lời từ 30.000 – 40.000đồng/kg. Phần lời này, nông dân chỉ được bỏ túi khi vườn cây không bị dịch bệnh, thời tiết xấu.
Hàng năm, HTX ông Chiến ký kết với một công ty cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên, trong đó, số lượng xã viên dùng phân nhập khẩu đến 60%, phân bón sản xuất trong nước chỉ chiếm 40%. Điều đáng lo ngại là giá thành phân nhập khẩu cao hơn phân bón nội địa từ 5.000 – 6.000đồng/kg, tuy nhiên, nông dân cũng chưa đánh giá phân bón loại nào tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thọ mong nhà nước kiểm chế giá phân bón và kiểm soát được chất lượng phân là cách hỗ trợ cho người nông dân thiết thực nhất
Ghi nhận tại Cà Mau, theo kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống 35.224 ha, trong đó huyện Trần Văn Thời có diện tích lớn nhất 28.944 ha, tiếp theo là huyện U Minh 3.270 ha, huyện Thới Bình 530 ha, TP. Cà Mau 2.480ha.
Để hiểu rõ hơn về chi phí sản xuất lúa tại mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, phóng viên được chính quyền địa phương dẫn đến thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Long Giang (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 30ha trồng lúa, bao gồm diện tích của HTX và diện tích liên kết với các hộ nông dân ở địa phương.
Nông dân HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) xuống giống lúa vụ Đông Xuân
Lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang cho biết, vào vụ Đông Xuân, bà con HTX trồng giống lúa ST, nhưng sang vụ hè thu, giống lúa được sử dụng nhiều là OM18 nhằm hạn chế đổ ngã. Mỗi ha, bà con trồng lúa thu được từ 5,5 tấn đến 6 tấn thóc. Với doanh thu một hecta khoảng 17 triệu đồng/vụ, lợi nhuận thu được khoảng từ 30 - 35%, còn lại là chi phí sản xuất, trong đó, chi phí phân bón chiếm 40%.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang Phạm Trường Giang cho hay, giá phân bón tăng cao, nếu làm không khéo, bà con trong HTX sẽ không thu được con số lợi nhuận trên. Ngoài ra, bà con trồng lúa ở huyện Trần Văn Thời còn đối mặt với câu chuyện đầu ra khi giá bán bấp bênh; xã viên tiêu thụ lúa gặp khó do phụ thuộc vào thương lái.
Mong giá phân bón giảm và kiểm soát được chất lượng phân
Lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Long Giang họp bàn những phần việc cần làm trong vụ lúa Đông Xuân
Khi hỏi nhiều bà con nông dân miền Tây về Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng, trong đó chuyển mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%, những người nông dân như ông Chiến, ông Thọ cho rằng nếu giá phân bón tăng từ 5 - 10% thì lợi nhuận của nông dân sẽ tụt giảm, thậm chí thua lỗ khi bón nhầm phân bón giả.
Nông dân Nguyễn Văn Thọ thành viên HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A , chia sẻ: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nông dân bằng cách giảm giá hoặc ổn định giá phân bón. Đồng thời chính quyền địa phương, phối hợp với ngành chức năng kiểm soát chất lượng phân bón, không để phân bón kém chất lượng vào các đại lý, bà con mua về bón cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất, sức khỏe cây trồng. Đây là điều bà con nông dân lo ngại nhất hiện nay. Theo tôi, nếu được hỗ trợ về giá và kiểm soát được chất lượng phân bón sẽ là đòn bẫy giúp bà con nông dân yên tâm trồng trọt, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh ruộng của mình”.
Nông dân miền Tây cho rằng dù trồng cây ăn trái hay trồng lúa, hoa màu thì mặt hàng phân bón không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay giá phân bón cao, chiếm đến 60% giá thành sản xuất
Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A Trần Văn Chiến, cho biết: "Giá phân bón hiện nay đang chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất. Do đó, về mặt chính sách thuế, chúng tôi không hiểu biết nhiều, chúng tôi chỉ quan tâm, người nông dân được hưởng lợi gì từ chính sách đó, đảm bảo giá cả đầu vào hợp lý và ổn định, góp phần hạ giá thành sản xuất và đảm bảo ổn định giá thành sản xuất. Chúng tôi chỉ có nhu cầu lâu dài giá phân bón giảm để yên tâm sản xuất".
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Hùng cho hay, năm nay, lợi nhuận của bà con còn thấp hơn, do giá phân bón ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của bà con.
“Về lý thuyết, tăng thuế 5% thì người nông dân có lợi, tuy nhiên, đặt ngược lại, khi thị trường đầu vào phân bón tăng lên, nhất là thị trường phụ thuộc vào nước ngoài, thì người nông dân sẽ không được hưởng lợi nhiều. Do đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có chính sách can thiệp, hỗ trợ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên, với mục tiêu chính người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới”. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Hùng, chia sẻ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế Tài chính cho biết, khi áp thuế 5% với mặt hàng phân bón, nhà nước, doanh nghiệp và nông dân đều có lợi
Khi đặt vấn đề mặt hàng phân bón bị đánh thuế 5% có tác động gì đến người nông dân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế Tài chính cho biết: “Khi chúng ta tính toán 5%, điều này không có nghĩa là chúng ta phải cộng thêm 5% vào giá phân bón, mà ở đây 5% là để chúng ta khấu trừ đầu vào. Điều này đồng nghĩa giá thành không đổi”.
Theo PGS Thịnh, thực tế hiện nay, khi chúng ta không khấu trừ đầu vào, kể cả chi phí, do đó, thuế VAT của các loại nguyên nhiên vật liệu đều được doanh nghiệp tính vào giá thành sản phẩm. Khi đó, tất cả mọi thứ đều cộng vào giá thành phân bón và họ tính ra giá để bán cho người nông dân. Như vậy, bản thân bây giờ, người nông dân vẫn đang chịu thuế.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh còn cung cấp thông tin, khi phân bón áp thuế VAT 5%, ngân sách nhà nước thu được đâu đó khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Với nguồn thu này, nhà nước có thể triển khai các giải pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường xá giao thông, trạm điện, giống cây con… từ đó, hỗ trợ bà con nông dân và nông nghiệp hội nhập hiện nay. Mặt khác, việc này tạo nên sự công bằng cho các doanh nghiệp phân bón sản xuất trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu phân bón vào Việt Nam.
Nguyễn Hành