Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nam Trực đã khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên đẩy mạnh khai thác, chế biến những mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị hàng hóa cao của địa phương, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm từ các chuỗi liên kết để trở thành sản phẩm OCOP.
Sản phẩm “Kẹo lạc vừng” và “Kẹo vừng thanh” của gia đình bà Vũ Thị Hồng, xã Bình Minh được công nhận đạt OCOP.
Đến thăm cơ sở sản xuất cơm cháy của anh Vũ Đức Hảo, thôn Nguyễn, xã Nam Cường, chúng tôi được nghe anh chia sẻ về “cơ duyên” đến với nghề. Trong một lần đi du lịch ở tỉnh bạn, thấy mô hình sản xuất cơm cháy rất thành công và phát triển, anh Hảo ấp ủ dự định tìm tòi, học hỏi kỹ thuật về áp dụng tại địa phương. Với thế mạnh về nguồn lúa gạo ngon sẵn có của quê hương, năm 2021 anh bắt tay vào làm, đến năm 2024 tập trung phát triển mạnh. Để sản xuất ra sản phẩm cơm cháy giòn xốp, thơm ngon, hương vị đậm đà, gạo được ngâm 2-3 tiếng, nấu trong tủ nấu cơm công nghiệp bằng điện, cắt thành khuôn, sau đó mang sấy khô rồi chiên. Hầu hết các công đoạn đều được sản xuất bằng máy móc nên năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, do chọn lựa được nguồn gạo ngon, phù hợp và chú trọng các khâu sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm nên sản phẩm cơm cháy của gia đình anh có hương vị khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Được sự hỗ trợ của HND các cấp và lãnh đạo địa phương, đến nay, cơ sở sản xuất của anh Hảo đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao, bao gồm “Cơm cháy chà bông Bảo Hân” và “Cơm cháy đáy nồi Bảo Hân”. Hiện tại, sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng tại Phú Thọ, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ngoài việc phân phối cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa, anh Hảo còn năng động phát triển, mở rộng kênh bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiktok… Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh sản xuất khoảng 20 tấn gạo; tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương với thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất kẹo Hồng Bắc của gia đình bà Vũ Thị Hồng ở xã Bình Minh đã có 3 đời làm nghề kẹo lạc. Mặc dù nghề truyền thống này không còn “hưng thịnh” như vài chục năm trước nhưng tinh hoa làng nghề vẫn đang được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, kế thừa. Bà Hồng chia sẻ, để làm ra sản phẩm kẹo lạc có vị ngọt vừa, giòn, thơm đậm đà quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và nhiều bí quyết gia truyền, đòi hỏi không chỉ sự khéo tay mà còn cả kinh nghiệm, tâm huyết của người làm nghề. Các nguyên liệu gồm lạc, vừng, đường, mạch nha, bột nếp đều phải được lựa chọn rất kỹ càng. Đến nay, 2 sản phẩm kẹo của gia đình bà đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là “Kẹo lạc vừng” và “Kẹo vừng thanh”. Các sản phẩm được đóng gói bao bì và dán nhãn mác cẩn thận, có thời hạn sử dụng theo quy định nên được khách hàng ngày càng tin dùng. Hiện cơ sở sản xuất kẹo của gia đình bà Hồng có quy mô nhất nhì xã, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Ngoài sản phẩm của 2 cơ sở sản xuất trên, hội viên nông dân trong huyện còn có nhiều sản phẩm tiêu biểu khác như: “Cây trà my cổ bonsai Nam Toàn” của xã Nam Điền; “Trà mầm đậu đen - gạo lứt đỏ” và “Trà mầm gạo lứt đỏ” của xã Nam Hùng; “Rượu Nam Hoa”, “Rượu mơ”, “Rượu đông trùng hạ thảo”, “Rượu gỗ sồi”, “Rượu dâu tằm” của xã Nam Hoa; chuối sấy, ngũ cốc hạt dinh dưỡng Nam Bảo, tinh bột kháng chuối xanh của xã Nam Lợi… Bên cạnh các sản phẩm mới được công nhận, các sản phẩm được đánh giá lại đều đã trải qua quá trình cải tiến về chất lượng, có sự đổi mới và tiềm năng phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng.
Đồng chí Phạm Thị Xuyến, Chủ tịch HND huyện cho biết: Các cấp HND huyện Nam Trực đã phối hợp tổ chức, triển khai sâu rộng chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân hoặc hội nghị, hội thảo, tập huấn và các kênh thông tin truyền thông khác. Tuyên truyền cho hội viên về sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, nông sản thế mạnh của địa phương; hướng dẫn cho hộ nông dân sản xuất nông sản ký cam kết đảm bảo sản xuất an toàn; lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hội viên nông dân đã chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng an toàn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, giá trị trên diện tích canh tác. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào bảo quản, chế biến sản phẩm. HND các cấp còn hỗ trợ hội viên về khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên cho các hộ sản xuất sản phẩm OCOP và các mô hình liên kết sản xuất. 5 năm qua, các cấp Hội trong huyện đã phối hợp tổ chức được 415 lớp tập huấn và đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 25 nghìn lượt hội viên nông dân. Hiện nay, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác với dư nợ trên 241,6 tỷ đồng cho 5.281 hộ vay. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 4.200 hộ nông dân vay vốn với dư nợ 1.753 tỷ đồng. Ngoài ra, HND các cấp trong huyện còn chú trọng quảng bá, hỗ trợ nông dân tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tại các hội chợ và trên sàn giao dịch điện tử.
Với đóng góp tích cực của cán bộ, hội viên nông dân, đến nay, huyện Nam Trực đã có 32 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng văn hóa bản địa truyền thống của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Lam Hồng