Nông dân xã Ninh Châu tỉa dặm lúa hè-thu - Ảnh: T.H
Vụ hè - thu năm nay khởi đầu với không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp; mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến lịch thời vụ, nhiều diện tích không thể xuống giống đúng kế hoạch. Đặc biệt, cơn bão số 1 đổ bộ vào trung tuần tháng 6 gây mưa lớn, làm ngập úng trên diện rộng, nhất là tại các vùng trũng khiến nhiều ha lúa mới gieo, giai đoạn mạ bị thiệt hại, buộc nông dân phải gieo sạ lại.
Trước tình hình đó, với sự hướng dẫn sát sao của đơn vị chức năng, chính quyền các cấp, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần “nước rút đến đâu, làm đất đến đó”. Các địa phương chủ động huy động toàn lực thực hiện tiêu úng; hỗ trợ người dân từ khâu làm đất, cung ứng giống dự phòng bảo đảm chất lượng để gieo cấy lại trong khung thời vụ tốt nhất.
Hiện nay, những cánh đồng lúa hè - thu trên khắp địa bàn tỉnh đã khoác lên một màu xanh tốt. Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, đây là thời kỳ quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng của cả vụ mùa. Ý thức được điều đó, nông dân đang tập trung tối đa cho việc chăm sóc, bón phân và theo dõi sâu bệnh để phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Châu Trần Văn Lai cho biết: Vụ hè - thu năm 2025, xã gieo cấy 873ha lúa, diện tích bỏ hoang do bị ngập úng, chậm thời vụ là 53ha. Lúa trà đầu trên địa bàn xã đang giai đoạn ôm đòng, lúa gieo lại đang giai đoạn đẻ nhánh. Cây lúa sinh trưởng tốt, tuy nhiên một số diện tích lúa đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng. UBND xã Ninh Châu đang chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi các đối tượng sâu bệnh, chủ động phòng trừ kịp thời để cây lúa vụ hè-thu đạt năng suất cao.
Theo thống kê, tổng số diện tích lúa bị ngập úng do ảnh hưởng của cơn bão số 1 trên địa bàn tỉnh là hơn 28.800ha; trong đó, diện tích phục hồi bằng các giải pháp chăm sóc là 14.068ha, diện tích gieo lại 14.338ha và có khoảng 300ha không gieo lại do quá lịch thời vụ.
Bà Phan Thị Hoa, thôn Hiển Lộc cho biết: Vụ hè - thu này, nguồn nước tưới tiêu luôn bảo đảm, cây lúa sinh trưởng tốt. Gia đình tôi gieo sạ được 3ha lúa và hiện đang tập trung tỉa dặm, kết hợp bón phân nhằm giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe. Chúng tôi thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện sâu bệnh, nhất là rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ, chuột, ốc bươu vàng,... đang có nguy cơ phát sinh gây hại, mong là thời tiết thuận lợi để cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao.
Tại xã Nam Hải Lăng, vụ hè-thu, toàn xã gieo trồng được 1.778ha, hiện lúa trà đầu đang giai đoạn ôm đòng, lúa gieo lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Lương Điền Lê Văn Phước cho biết: HTX gieo trồng được 170ha lúa hè - thu, 50ha hoa màu. Hiện nay, cây lúa đang đứng cái, làm đòng, trà gieo lại đang đẻ nhánh. Xác định đây là giai đoạn then chốt, HTX đã chủ động xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng xứ đồng, bảo đảm không để ruộng thiếu nước.
Tuy nhiên, lúa của HTX hiện đang xuất hiện sâu bệnh cuốn lá, bệnh khô vằn, nhện gié... gây hại. Khi phát hiện cây lúa có dấu hiệu bệnh, chúng tôi đã thông báo ngay cho các thành viên HTX nắm bắt và có biện pháp phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách); phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự chung sức của thành viên, HTX phấn đấu giành một vụ mùa thắng lợi.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, trong tuần qua, các sinh vật gây hại trên lúa gia tăng diện tích nhiễm so với tuần trước, trong đó, sâu cuốn lá nhỏ đang ở giai đoạn nhộng, trưởng thành. Diện tích nhiễm là 506ha, mật độ phổ biến 10 - 15 con/m2, nơi cao 30 con/m2; rầy râu, rầy lưng trắng diện tích nhiễm 266ha, cục bộ có nơi trên 5.000 con/m2; diện tích chuột gây hại 98ha, tỷ lệ hại phổ biến 5% - 10%.
Dự báo trong thời gian tới, chuột tiếp tục gây hại các vùng; sâu cuốn lá nhỏ lứa mới có thể phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng (tùy điều kiện sinh thái, dự kiến từ ngày 15 - 20/7 sẽ có lứa sâu non nở với mật độ cao); rầy các loại tiếp tục gây hại trên các diện tích chưa phun trừ hoặc phun trừ không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, nhện gié tích lũy mật độ, gây hại trên lúa trà sớm (nhất là trên các giống HN6, Khang dân, HC 95...); bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có thể phát sinh gây hại các vùng gieo dày, bón thừa đạm.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bùi Phước Trang cho biết: "Vượt qua những khó khăn ban đầu do thời tiết, nông dân đã rất nỗ lực phục hồi sản xuất. Hiện, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc nông dân chăm sóc lúa hè-thu, đặc biệt là điều tiết nước tưới và phòng trừ sâu bệnh; khuyến cáo bà con ưu tiên áp dụng các biện pháp tổng hợp quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, không bón thừa đạm nhằm hạn chế sâu bệnh phát triển và hại nặng ở giai đoạn trổ - chín. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ an toàn cho diện tích lúa, phấn đấu giành một vụ hè - thu thắng lợi toàn diện cả về năng suất và chất lượng.
Thanh Hoa