Nông dân vùng núi đá Trạm Tấu thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ 'kò cay'

Nông dân vùng núi đá Trạm Tấu thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ 'kò cay'
3 ngày trướcBài gốc
Trước đây, tại Trạm Tấu, đồng bào dân tộc Mông trồng khoai sọ chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhưng khoảng 3 năm lại đây, khi sản phẩm khoai sọ được nhiều người biết đến, nhiều địa phương trong huyện đã vận động, tuyên truyền đồng bào chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ.
Từ cây "xóa nghèo"...
Nếu như những năm trước, giá bán khoai sọ trung bình khoảng 15.000 đồng/kg thì hiện đã lên đến 22.000 – 23.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 25.000 đồng/kg. Tùy theo diện tích trồng mà người dân có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích.
Cây khoai sọ ưa môi trường tự nhiên, người dân không phải chăm sóc thường xuyên, nếu đất bạc màu chỉ cần bón nhiều phân hơn một chút là đảm bảo được năng suất thu hoạch. Khoai sọ rất dễ bán, thu hoạch đến đâu bán đến đó. Các thương lái vào tận nơi để thu mua.
Bên cạnh đó, trồng khoai sọ cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa nên hiện nay, hầu hết nông dân trong huyện Trạm Tấu đều trồng khoai sọ, đây là cây lương thực đặc sản đứng sau lúa và ngô. Cùng với gà đen bản địa, măng ớt, Trạm Tấu đã xác định phát triển khoai sọ thành cây trồng hàng hóa đặc hữu của huyện, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.
Trạm Tấu xác định phát triển khoai sọ thành cây trồng hàng hóa đặc hữu của huyện, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.
Là một trong 10 hộ dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình, ông Phàng A Dề ở thôn Tà Xùa cho biết, trước đây gia đình trồng lúa nương và ngô nhưng năng suất không cao. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang khoai sọ, ông thấy được nhiều hơn hẳn. “Vụ tới, tôi sẽ tiếp tục trồng khoai sọ và mở rộng thêm diện tích”, ông Dề nói.
Không chỉ ông Dề mà nhiều hộ dân trong vùng cũng chuyển đổi sang trồng khoai sọ. Thành công từ mô hình trồng khoai sọ trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả tại thôn Tà Xùa đã giúp xã Bản Công khai thác được tiềm năng từ đất, nhất là nâng cao được giá trị kinh tế trên các diện tích đất kém hiệu quả và là tiền đề để xã tiếp tục mở rộng quy mô thâm canh loại cây trồng này trong những năm tiếp theo.
"Điểm sáng" ở Trạm Tấu
Nhớ lại những năm đầu bắt tay vào trồng cây khoai sọ, anh Giàng Páo Lồng, thôn Mù Thấp, xã Bản Mù – gia đình có diện tích trồng cây khoai sọ vào diện nhất, nhì của huyện chia sẻ, những năm trước nhà anh trồng khoảng 350m2 khoai sọ. Với giá 15.000 đồng/kg, sau vụ thu hoạch, gia đình thu được 7 triệu đồng, so với diện tích trồng lúa nương trước đây thì tăng gấp 4 lần. Thấy cây trồng đem lại hiệu quả cao, gia đình anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng khoai sọ lên 1 ha.
“Bây giờ mở điện thoại ra thấy nhiều người ở ngoài huyện mình đăng bán khoai sọ trên Zalo lắm. Bảo sao mấy năm nay, khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Thế nên mình yên tâm trồng nhiều thế đó”, vợ anh Lồng cho hay.
Giàng Páo Lồng kể, cây khoai sọ vốn là cây trồng có mặt ở Trạm Tấu từ rất lâu rồi, bà con bản địa trồng là để lấy củ ăn qua ngày thế nên diện tích trồng cũng chỉ "lỗ chỗ" thôi, mỗi nhà dặm lấy vài khoảnh, gọi là tạm đủ dùng cho gia đình. Những năm ấy, tỷ lệ đói nghèo Trạm Tấu rất cao, thậm chí có thời điểm lên đến trên 70% số hộ.
Thế nhưng, xã đã vận động người dân chủ động nguồn giống sẵn có tại địa phương, chuẩn bị quỹ đất, hướng dẫn và hỗ trợ phân bón để tiến hành trồng ngay khi vào vụ đã giúp bà con trồng khoai đúng kỹ thuật, mang lại năng suất cao
Đặc biệt, nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của khuyến nông viên cơ sở nên năng suất và chất lượng khoai cao hơn trước rất nhiều. Nhờ đó, xã Bản Mù đảm bảo đủ toàn bộ lượng giống để trồng hết diện tích đất theo kế hoạch.
Giờ đây, Bản Mù là xã có diện tích khoai sọ lớn nhất huyện và chất lượng khoai cũng ngon nhất, được coi là "thủ phủ khoai sọ" ở Trạm Tấu. Nhờ có khoai sọ mà đời sống bà con được nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm rõ rệt, đưa Bản Mù trở thành “điểm sáng” của Trạm Tấu trong phong trào thoát nghèo từ cây khoai sọ. Bản Mù cũng trở thành mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả để các xã khác làm theo, nhân rộng diện tích khoai sọ trên toàn huyện. Dự kiến đến năm 2025, toàn huyện sẽ mở rộng diện tích lên 1.000 ha.
“Bản Mù là một trong những địa phương thí điểm để thuyết phục các địa phương và bà con thay đổi”, lãnh đạo huyện Trạm Tấu cho biết.
Không chỉ ở xã Bản Mù, cây khoai sọ đã và đang phát triển, mở rộng diện tích tại nhiều xã ở huyện Trạm Tấu như: Xà Hồ, Bản Công, Pá Hu, Pá Lau, Tà Xi Láng...
"Gắn sao" cho khoai sọ
Xác định khoai sọ là một trong nhóm cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững cho người dân, để không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu từ khoai sọ, Trạm Tấu đã hoàn thành thủ tục để khoai sọ nương Trạm Tấu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm khoai sọ nương.
Với sản lượng khoai sọ lớn, huyện đã có nhiều giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, Trong đó, việc bán hàng trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng. Thông qua hình thức này, sản phẩm được quảng bá đến đông đảo cộng đồng khách hàng trên nền tảng công nghệ số.
Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, huyện Trạm Tấu đã vận động người dân mở rộng diện tích; hình thành các vùng sản xuất tập trung nhằm tạo thuận lợi trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập HTX Kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy (tổ dân phố số 2, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu) với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp đỡ nông dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
HTX Hưng Thùy đang là đơn vị thu mua lớn nhất huyện. HTX đã thu mua khoai của các thành viên và bà con tại các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ,…
Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, với sự giúp đỡ của Liên mình HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, HTX Hưng Thùy đã hướng dẫn các thành viên và bà con nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời, HTX mở rộng diện tích trồng khoai, tăng cường thu mua, kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác…
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục hoàn thiện để nâng hạng.
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của HTX Hưng Thùy đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3.
Sau khi khoai sọ nương được chứng nhận là sản phẩm OCOP, HTX đã hướng dẫn bà con lựa chọn những khu đất, thửa ruộng thích hợp với cây khoai sọ; lựa chọn vùng đất rộng để thâm canh với diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch.
Bên cạnh đó, HTX cũng hướng dẫn 20 thành viên và hộ dân liên kết trong vùng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất đi đôi với chất lượng.
“Diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu tăng nhanh. Khoai sọ Trạm Tấu hiện nay rất dễ tiêu thụ trên thị trường các tỉnh trong cả nước, trong đó đã có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…”, bà Nguyễn Thị Thùy – Giám đốc HTX Hưng Thùy chia sẻ.
Lãnh đạo UBND huyện Trạm Tấu cho biết kể từ khi sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đến nay, giá trị sản phẩm được nâng cao hơn và thị trường cũng rộng mở hơn. Hiện, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, người dân sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí không có đủ sản phẩm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP 4 - 5 sao...
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và sàn thương mại điện tử; triển khai nghiên cứu sơ chế, bảo quản để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, giúp bà con vươn lên làm giàu.
Ngọc Giang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-vung-nui-da-tram-tau-thoat-ngheo-vuon-len-lam-giau-tu-ko-cay-1105777.html