Hướng tới một trong những trung tâm nông nghiệp toàn cầu trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thương của biến đổi khí hậu, đang là cơ hội đặt ra ngay trước mắt đối với khu vực Tây Nguyên. Sở hữu nhiều loại nông sản có giá trị cao, sản lượng lớn, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về chất lượng và phát triển bền vững, Tây Nguyên có đủ nền tảng tốt để vươn tới mục tiêu.
Động lực lớn còn được tạo ra khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, giúp từng nhà nông, doanh nghiệp lớn nhỏ, hiệp hội ngành nghề, đều nhìn rõ những cơ hội và tất cả cùng dấn thân vươn tới, tích cực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác, biến triển vọng thành hiện thực.
Những cộng đồng đầy khao khát
Lối vào văn phòng của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, từ bàn làm việc của Chánh văn phòng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nguyễn Thủy Triều, tiếng gõ bàn phím như đang vội vã.
Chị Nguyễn Thủy Triều trong chuỗi sự kiện của cà phê đặc sản Việt Nam
Chị Triều cho biết, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột bây giờ đang vận hành cả website, trang mạng xã hội, tham gia nhóm chat của cộng đồng cà phê đặc sản Việt Nam, có tài khoản trên trang thông tin của Viện Chất lượng Cà phê Quốc tế (CQI), nên thông tin được cập nhật, xử lý từng phút giây, đem đến cho hội viên cơ hội dự các cuộc thi và triển lãm quốc tế; các chương trình hợp tác nghiên cứu, và các lớp đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, giúp cà phê Việt Nam chinh phục thành công đỉnh cao chất lượng, và tiếp cận được phân khúc đặc sản - cao cấp nhất của thị trường thế giới.
Theo chị Triều, nền tảng số cũng là chất keo gắn kết để Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột trở thành hạt nhân của một cộng đồng ngày càng lớn mạnh và đầy khao khát
“Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột có một cộng đồng rất lớn, gồm đủ các thành phần. Mỗi khi có một kết quả nghiên cứu gì về cà phê hoặc chứng nhận về cà phê thì họ đều gửi đến cho hiệp hội để xem xét, gửi đến cho cộng đồng. Hoặc có những thông tin giá trị thì hội viên sẽ chia sẻ ngay cho hiệp hội để nắm bắt thật nhanh. Chứ mình tìm trên cộng đồng mạng thì rất lâu, thậm chí không thấy”- chị Triều chia sẻ.
So với các vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, Tây Nguyên luôn tiên phong trên hành trình chuyển đổi số. Từ năm 2007, khi số hóa còn ít được biết đến, sinh viên - nông dân Nguyễn Công Thịnh ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã lập được một website chuyên về cà phê, cập nhật giá cà phê từ các sàn giao dịch quốc tế, trở thành diễn đàn sôi nổi và hữu ích.
Đến nay, Tây Nguyên đã có thêm càng nhiều nền tảng số được sử dụng hiệu quả, trong cả sản xuất, kinh doanh, liên kết và đào tạo. Với nhiều doanh nhân, công nghệ số đã cơ bản xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, giúp hợp tác quốc tế trở nên dễ dàng. Các giao dịch cần thanh toán xuyên biên giới cũng dễ dàng thực hiện mà không cần đổi tiền.
Tham gia cộng đồng số về nông nghiệp tử tế, dự các lớp đạo tạo trên nền tảng số, anh Đặng Công Kiên đã thành công với cà phê, sầu riêng hữu cơ và tự sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.
Với anh Đặng Công Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp Kiên Thảo Phát, ở thị trấn biên giới Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chuyển đổi số càng phát huy giá trị khi trở thành công cụ để xây dựng những cộng đồng số cùng chí hướng. Thành công từ các trang trại sầu riêng, cà phê hữu cơ của HTX, các chế phẩm vi sinh mà HTX tự sản xuất được, đều nhờ tham gia cộng đồng số về nông nghiệp tử tế.
“Tôi tham gia vào cộng đồng nông nghiệp tử tế và sau đó được học một lớp về Organic do các thầy người Úc dạy trong 6 tháng online. Từ kiến thức đó, tôi đã áp dụng để làm ra các sản phẩm chất lượng cao. Hợp tác xã của tôi tự sản xuất chế phẩm sinh học dùng cho nông nghiệp, dùng cho chế biến nông sản và rửa thực phẩm. Rồi hợp tác xã cũng có các sản phẩm như là cà phê, sầu riêng. Các loại thảo dược thì được trồng ở dưới tán để làm trà”- anh Đặng Công Kiên cho biết.
“Thế giới phẳng” thúc đẩy nông nghiệp đa giá trị
Chuyển đổi số nông nghiệp ở Tây Nguyên bây giờ tiếp tục hướng theo chiều sâu khi có thêm các ứng dụng số chuyên phục vụ nông nghiệp Việt Nam, như AutoAgri, MobiAgri, VNPTGreen... Sau hội nghị “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tổ chức ngày 14/5/2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đang đẩy nhanh thu thập và số hóa các dữ liệu nông nghiệp, nhằm có thể triển khai toàn diện hơn nữa.
Xuất khẩu cà phê robusta đặc sản, Tây Nguyên đã tham gia vào phân khúc cao cấp nhất của thị trường cà phê thế giới
Đang giúp các hợp tác xã sầu riêng ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk triển khai ứng dụng VNPT GREEN, Thạc sĩ Nguyễn Lê Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (VNPT Đắk Lăk) cho biết: Ngoài VNPTGreen dành cho các trang trại và hợp tác xã, VNPT đang triển khai hệ sinh thái nông nghiệp số AIMS, hỗ trợ quản lý toàn diện từ khâu giống đến trồng trọt - bảo về thực vật, chăn nuôi - thú y, thủy sản, phát triển nông thôn đến quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.
“Chúng tôi đang sâu sát tới từng địa bàn để xây dựng được đội ngũ trẻ, am hiểu về công nghệ để cùng tham gia và đồng hành trong việc tạo lập dữ liễu cho hệ sinh thái số mà chúng tôi đang triển khai tại địa phương. Đến năm 2030, sẽ đưa được giá trị dữ liệu đã tạo lập vào trong thực tiễn ”- ông Nguyễn Lê Anh Dũng cho biết.
Phát huy tốt đặc sắc nông nghiệp đa tầng, Tây Nguyên cũng đang tận dụng nhanh những cơ hội từ số hóa. Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên vừa được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ quan của bộ... cần tận dụng các nền tảng số để tương tác hiệu quả hơn, giúp nông nghiệp của vùng phát triển toàn diện cả lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, đạt đến nông nghiệp đa giá trị như yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ Chính trị.
Trực tuyến từ văn phòng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng "Thế giới đã phẳng" nên có nhiều cách kết nối doanh nghiệp-chính quyền-bộ chủ quản để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng đa giá trị.
“Đây là nghị quyết của Đảng rồi. Bây giờ có không gian mới rồi, thế giới phẳng rồi, có nhiều hình thức để chúng ta tương tác với nhau. Quan trọng nhất là mục tiêu chúng ta đạt được mà thôi”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đoàn tàu chuyển đổi số đang đẩy nông nghiệp Tây Nguyên tiến nhanh về phía trước, tăng lên nhanh chóng về cả giá trị và vị thế trên thị trường nông sản quốc tế. Trên hành trình phát triển nhanh chóng đó, nông nghiệp Tây Nguyên đặc biệt cần tới vài trò của Người lái tàu - Nhà nước. Trong chương trình ngày mai, bài 3 của loạt bài “Định vị nông nghiệp Tây Nguyên trong chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ đề cập việc phát huy vai trò của Nhà nước, giúp tháo gỡ các lực cản để tiếp tục nâng cao giá trị, xây chắc vị thế của nông nghiệp Tây Nguyên.
Trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp toàn cầu trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đang là cơ hội đặt ra trước mắt đối với khu vực. Với nhiều loại nông sản có giá trị cao, sản lượng lớn, chất lượng hàng đầu, Tây Nguyên có đủ nền tảng tốt để vươn tới mục tiêu. Động lực lớn còn được tạo ra khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ; cả nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp ở Tây Nguyên cùng tích cực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác, biến triển vọng thành hiện thực.
Cùng loạt bài "Định vị nông nghiệp Tây Nguyên trong chuỗi giá trị toàn cầu":
Bài 1: Nông nghiệp Tây Nguyên tiên phong kiến tạo
Bài 2: Nông nghiệp Tây Nguyên rạo rực trên những con tàu số hóa
Bài 3: Trên dưới đồng lòng dẫn dòng cho nông nghiệp Tây Nguyên
Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên