NSND Trà Giang nhiều năm nay không đóng phim. Bà sống ở TPHCM, biến căn chung cư của mình thành "xưởng vẽ" để thỏa đam mê hội họa.
Tối 22/2, trong chương trình Ký ức phim Việt, NSND Trà Giang gặp lại khán giả truyền hình. Bà chia sẻ nhiều chuyện hậu trường của bộ phim điện ảnh kinh điển Chị Tư Hậu(đạo diễn Phạm Kỳ Nam). Phim được sản xuất năm 1962, ca ngợi người phụ nữ trong chiến tranh. Trong phim, NSND Trà Giang vào vai chị Tư Hậu - người phụ nữ dũng cảm, can trường.
Từng giận không thèm nhìn mặt đạo diễn Phạm Kỳ Nam
Chị Tư Hậu là bộ phim thứ hai NSND Trà Giang tham gia. Khi nhận vai, bà vừa tròn 20 tuổi. "Trong cuộc đời diễn viên của tôi, phim Chị Tư Hậu đánh dấu bước trưởng thành về nghề nghiệp. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đi khắp nơi để chọn một người con gái Nam Bộ đóng vai Tư Hậu. Sau khi xem phim Một ngày đầu thu, đạo diễn Phạm Kỳ Nam quyết định chọn tôi. Tôi cũng đã đọc tác phẩm nguyên mẫu của phim và ấn tượng với cảnh nhân vật bị cưỡng hiếp", NSND Trà Giang nói.
NSND Trà Giang hiện tại.
Thời kỳ kháng chiến, mẹ của NSND Trà Giang cũng bị thực dân bắt đi tù. Những cảnh đau thương tận mắt chứng kiến cũng là yếu tố để NSND Trà Giang xây dựng nhân vật Tư Hậu.
NSND Trà Giang được ca ngợi bởi kỹ năng diễn xuất điêu luyện, gương mặt rạng rỡ và đôi mắt đẹp, có chiều sâu. Đạo diễn Bạch Diệp từng nhận xét NSND Trà Giang "có đôi mắt vô địch". NSND Trà Giang cũng cho rằng sự tìm tòi, khám phá của nghệ sĩ trong cách diễn sẽ được thể hiện qua đôi mắt.
Chia sẻ kỷ niệm về phim Chị Tư Hậu, NSND Trà Giang nhắc đến phân cảnh diễn cùng NSND Trần Phương - vai chồng của Tư Hậu. "Anh Phương thuộc thế hệ đi trước, còn tôi lúc đó mới 20 tuổi, mới vào nghề nên cũng áp lực. Lúc đóng phim, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ dặn anh Phương nhớ chi tiết hôn vợ khi nằm cạnh. Có lẽ đạo diễn sợ tôi không chấp nhận cảnh đó nên giấu, không nói với tôi", NSND Trà Giang kể. Bà hoàn toàn không biết trước chi tiết này.
NSND Trà Giang trong Chị Tư Hậu.
Nữ nghệ sĩ nói bà vẫn diễn cảnh được chồng âu yếm, nhưng sau đó rất giận đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Mấy ngày sau đó, bà không nhìn mặt, không nói chuyện với đạo diễn. "Sau đó, chú Phạm Kỳ Nam mới giải thích sợ tôi còn trẻ, không chịu đóng cảnh đó nên không nói trước. Còn tôi tự ái vì không được bàn bạc trước", nữ nghệ sĩ tiết lộ. Kỷ niệm đó suốt hàng chục năm qua bà chưa kể với ai.
Tấm gương cho diễn viên trẻ
Phim Chị Tư Hậu sau này trở thành học liệu nghiên cứu học tập trong các trường nghệ thuật. Trong chương trình Ký ức phim Việt, sinh viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tái hiện diễn xuất các phân đoạn trong phim, trong đó có những cảnh thể hiện kỹ năng diễn xuất bằng ánh mắt.
Các phần tái hiện được thực hiện dưới sự hướng dẫn của NSND Trung Anh. Nhiều diễn viên trẻ tham gia thử sức như Thùy Dương, Thanh Huế....
NSND Trà Giang cho rằng thế hệ diễn viên trẻ không cần quá áp lực vì diễn xuất mỗi thời một khác. Bà khuyên những người mới vào nghề nên đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật để tìm tòi, khám phá. "Với điện ảnh, chân thật là điều kiện số một. Thời nào cũng cần điều kiện đó", NSND Trà Giang nói.
NSND Trà Giang thời trẻ.
Chị Tư Hậu được chuyển thể từ tác phẩm văn học Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái. Phim kể về Tư Hậu - người phụ nữ có hoàn cảnh vất vả. Trong một trận càn của địch, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau khiến chị định tự vẫn, nhưng khi nghe tiếng khóc của con, chị bừng tỉnh. Giây phút ấy, chị thấy mình phải giành lại quyền sống, quyết tâm đòi lại hạnh phúc.
Chồng hy sinh, con bị giặc bắt, chị Tư Hậu kiên cường vượt qua số phận và trở thành nữ chiến sĩ cách mạng. Nhân vật nguyên mẫu của Tư Hậu là một cán bộ lão thành cách mạng ở Khánh Hòa.
Phim Chị Tư Hậu từng nhận giải Bạc tại LHP Quốc tế Moscow năm 1963, giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần 2 năm 1973. Ngoài Chị Tư Hậu, NSND Trà Giang còn nổi tiếng nhờ các phim Một ngày đầu thu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm...
Ngọc Ánh