Ra mắt năm 1994, Cây bạch đàn vô danh là một trong những tác phẩm nổi bật của dòng phim chiến tranh Việt Nam thời kỳ hậu đổi mới.
Dưới bàn tay tài hoa của bộ đôi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang, bộ phim không chỉ khắc họa khốc liệt nơi chiến trường mà còn lật mở những góc khuất âm thầm, day dứt nơi hậu phương – nơi không có bom rơi đạn nổ, nhưng những mất mát, hy sinh, cô đơn vẫn cứ âm ỉ cháy.
Một cảnh trong phim “Cây bạch đàn vô danh”.
Phim kể về mối quan hệ đặc biệt giữa hai con người đơn độc giữa làng quê miền Bắc những năm chiến tranh chống Mỹ: ông Bạch Vân – người đàn ông góa vợ, cha của một liệt sĩ, và cô Bình – người phụ nữ có chồng đi chiến đấu xa rồi hy sinh.
Họ gặp nhau, đồng cảm với nhau trong cô quạnh, dằn vặt và cuối cùng quyết định "vượt rào", bất chấp ánh mắt dị nghị, rèm pha từ xóm làng. Họ như những "cây bạch đàn" - sống ở nơi khô cằn, ít người để ý đến, nhưng lại bền bỉ, mạnh mẽ và âm thầm cống hiến cho đất nước.
Câu chuyện hậu trường đáng nhớ của bộ phim được chính NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ tại chương trình Cine7 – Ký ức phim Việt đó là Lê Vy khi đó đang mang thai nhưng vẫn quyết tâm theo đoàn phim tới cùng. Dù bụng bầu ngày một lớn, chị không từ chối bất kỳ cảnh quay nào, kể cả cảnh vác đất, lao động nặng nhọc ngoài bãi đê.
NSƯT Lê Vy đảm nhận vai Bình trong phim.
Kể cả khi đoàn phim chưa biết nghệ sĩ Lê Vy có bầu, có cảnh vác đất nặng, đạo diễn đề xuất diễn viên đóng thế nhưng cô từ chối và muốn tự đóng phân cảnh đó. Êkip làm phim lựa chọn góc quay, khéo léo trong khâu dàn cảnh để có thể che đi bụng bầu. Khi nhắc lại kỉ niệm đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân xúc động.
Sự cống hiến đó của NSƯT Lê Vy được đền đáp xứng đáng. Vai Bình – người đàn bà nông thôn mạnh mẽ, cá tính, dám yêu, dám vượt qua định kiến xã hội – giúp chị chạm đến đỉnh cao nghề nghiệp. Nếu như trong Truyện cổ tích cho tuổi 17, Lê Vy mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng, thì ở Cây bạch đàn vô danh, chị thực sự “lột xác”, chạm tới chiều sâu cảm xúc, diễn xuất chín muồi, thuyết phục.
Nhân vật Bình không chỉ là biểu tượng của những người phụ nữ thời chiến kiên cường, mà còn thể hiện sự phản kháng âm thầm nhưng quyết liệt trước định kiến xã hội. Cặp đôi Bình - Vân (do NSƯT Hồng Sơn thủ vai) tạo nên một mối tình hiếm có trên màn ảnh Việt: chân chất, nhiều uẩn ức và đầy tính người.
Đạo diễn, NSND Thanh Vân xúc động khi nhắc lại kỷ niệm với Lê Vy.
Cây bạch đàn vô danh đoạt nhiều giải thưởng danh giá: Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI (1996), Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Lê Vy, Quay phim xuất sắc nhất cho Nguyễn Đức Việt, Âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam (1995), Giải Ngọn đuốc đồng tại Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng (1996),
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ hình ảnh cây bạch đàn cũng giống như những mảnh đời được khắc họa trong phim. Bạch đàn có thể sống ở những nơi khô cằn, sỏi đá nhất - nơi mà những loài cây khác chẳng thể sống được; ít ai để ý đến cây bạch đàn, nó lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống này.
Hình ảnh đó ẩn dụ về những người dân đóng góp cho chiến tranh, họ lặng lẽ và âm thầm, không được tôn vinh là những anh hùng. Họ ẩn mình, họ vô danh, nhưng không thể thiếu họ trong cuộc chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang.
Số phận như ông Bạch Vân hay cô Bình trong xã hội nông thôn miền Bắc thời kỳ chiến tranh rất nhiều. Số phận của người đàn bà ở hậu phương, người đàn ông có con đi chiến trường và hy sinh. Những con người thầm lặng mà cống hiến. Gần ba thập kỷ trôi qua, Cây bạch đàn vô danh vẫn là một trong những bộ phim đặc biệt nhất của điện ảnh Việt Nam.
Lê Chi