Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Người chép sử bằng bút lông trên hành trình dặm dài đất nước

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Người chép sử bằng bút lông trên hành trình dặm dài đất nước
9 giờ trướcBài gốc
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (Ảnh: Thanh Hiệp)
Những trang nhật ký thấm đẫm tình mẹ
Ở Việt Nam, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, các Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH) đã trở thành những người chiến sĩ thầm lặng, góp phần làm nên những trang sử hùng tráng của dân tộc, tạc vào dáng hình của đất nước Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Mẹ VNAH. Số liệu hiện tại chỉ còn gần 3 nghìn Mẹ VNAH còn sống. Từ con số này có thể hiểu sự hối hả của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt quên đi tuổi tác để chạy đua cùng thời gian trên dặm dài đất nước ghi lại hình ảnh của các Mẹ VNAH trên cuộc hành trình tròn 15 năm, từ ngày 19/2/2010, khi bà 62 tuổi.
Mẹ VNAH Vũ Thị Bông ở tỉnh Hưng Yên qua nét vẽ của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt
Để viết về họa sĩ Đặng Ái Việt, thiết nghĩ chẳng có gì ngôn từ gì xúc động hơn những trang viết của bà trên hành trình 15 năm theo dặm dài đất nước vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH). Đó là những trang nhật ký thấm đẫm tình người, tình mẹ.
“Mẹ Nhẹ (Thanh Hóa, ngày 10/6/2010): Mẹ 94 tuổi, đẹp dịu dàng, đôi mắt xa xăm. Ôm đôi vai gầy của mẹ mới thấy sự tàn phá của thời gian, những nếp gấp chồng chéo, đan như lưới trên cơ thể đời người. Giấc ngủ trưa đến như trẻ thơ được nằm bên mẹ. Tỉnh giấc hình như mẹ đang thút thít. “Mẹ không ngủ à”, “Buổi trưa mẹ không ngủ, chỉ nằm thôi”. Phải chăng từ lâu lắm mẹ cô đơn một bóng, không ai nằm kề bên, giờ đây mẹ đang tận hưởng giờ phút hạnh phúc được nằm bên người khác gọi mình bằng mẹ”.
“Mẹ Tịnh, (Hà Nội, ngày 16/7/2010): Đến nhà mẹ Tịnh đã hơn 10 giờ. 11 giờ 30 phút thì vẽ xong. Mẹ khen: “Tuyệt vời. Đẹp hơn cả ảnh chụp. Giống lắm”. Ăn cơm trưa cùng mẹ. Lúc chia tay hôn mẹ thật sâu, cố tận hưởng hạnh phúc tràn ngập. Mẹ bỗng ông choàng: “Chừng nào gặp lại?”. Không trả lời mẹ. Không biết chừng nào mới trở lại đây. “Con đi, mẹ ráng giữ gìn sức khỏe”. “Ừ con đi”. Mẹ lất khất đưa ra tận cửa. Rồ ra không dám nhìn lại. Sợ giọt nước mắt rơi”.
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội chiếc xe máy đã đồng hành cùng bà trong nhiều năm đi và vẽ Mẹ VNAH ( Ảnh trong bài: phóng viên và Bảo tàng PNVN)
“Lai Châu, ngày 7/6/2011: 7 giờ 15 phút rời Mường Lay. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở… Dẫu đã dồn hết sức lực nhưng không vượt nổi cái dốc đứng, bùn dẻo, bánh xe không bám được, xe Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Bô xe cháy vào chân đau rát. Đến nơi biết tin có mẹ còn sống, tuy có nhọc mệt những lòng thanh thản. Đến được Mường Tè rồi thì yên tâm nhưng nhớ đoạn đường quay lại ớn, rùng mình”.
“Hải Phòng, ngày 1/6/2012: Vẽ mẹ Bùi Thị Ít 95 tuổi ở xã Thanh Lương, Vĩnh Bảo. Mắt mờ, lưng còng mẹ phải di chuyển bằng ghế. Ở lại ăn cơm nhà mẹ. Mẹ nhúm cơm bỏ vào mồm, mấy con gà chíu chít giành những hạt cơm rơi. Mình nghe lòng xốn xang, một ngày nào đó những con gà biết tìm đâu những hạt cơm rơi quanh mẹ. Mình bước xuống thềm, mẹ nói với theo: “Người đi, người vẫn trông theo. Chừng nào khuất núi qua đèo mới thôi”. Và còn dặn: “Nhớ lâu lại nhà chơi nhá”. Mình ra xe, đạp máy chiếc Chaly rung rung, mẹ ơi con sợ câu nói ấy lắm”…
“Hà Tĩnh, ngày 5/7/2024: Vẽ mẹ Trần Thị Đỏ ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mẹ tâm sự mẹ không có mong muốn gì ngoài việc đưa được hài cốt của con mình về quê hương. Nghe mà đứt ruột. Hai mẹ con cùng khóc”…
Thực hiện lời hẹn ở chiến khu năm nào
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh ngày 16/11/1948, quê xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bà trở thành diễn viên đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho khi mới 15 tuổi. Tháng 7/1964 bà là họa sĩ, phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng. “Khi ở chiến khu, tôi và đồng đội đã hẹn với nhau rằng sau này hòa bình sẽ đi khắp đất nước Việt Nam và cố gắng làm tất cả những gì có thể để đóng góp cho đất nước”, bà cho biết.
Thực hiện hành trình đi và vẽ khắp đất nước để vẽ Mẹ VNAH, nữ họa sĩ đã thực hiện lời hứa năm xưa. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đất nước Việt Nam mình có được như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của rất nhiều máu xương các anh hùng, liệt sĩ và họ là con của những người Mẹ VNAH. Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các mẹ, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Tôi vẽ bằng tất cả trái tim của mình để tri ân các mẹ, để các mẹ mãi trường tồn cùng đất nước” – tại sự kiện “Tâm họa tri ân” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức, bà cho biết.
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt - người đã thực hiện hơn 3.000 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp cả nước. Ảnh BTPN
Với nữ họa sĩ, vẽ Mẹ VNAH không chỉ vẽ hình ảnh mẹ mà còn vẽ nỗi niềm đau đáu mong con, thương con, nhớ con của mẹ và hơn tất cả đó là sự đóng góp thầm lặng của mẹ cho Tổ quốc, đất nước có được ngày hôm nay. Vì thế, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã không từ nan khi bước vào cuộc hành trình dài hơn thập kỷ ở tuổi 62, trên những chiếc xe máy như Chaly, Cup 50 (ước tính nữ họa sĩ đã đi hơn 140 nghìn kilomet đến các tỉnh thành) và hành trang tối giản với một thùng đồ nghề đựng giấy, màu và bút vẽ, cùng chút ít tư trang cá nhân. “Động lực để tôi có thể đi vẽ ở cái tuổi này đó là tình yêu. Hành trình đến với các Mẹ VNAH là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Tính đến nay tôi đã vẽ được chân dung của 3157 Mẹ VNAH. Người Mẹ VNAH thứ 3157 là bà Trần Thị Tỏ sinh năm 1916, 108 tuổi tôi vẽ ở huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh”, bà kể.
Được biết, Mẹ VNAH Trần Thị Tỏ có hai người con là liệt sĩ, một người hy sinh ở Tây Ninh trong chiến tranh và một người là công an, hy sinh trong công tác khi thời bình. Mẹ tâm sự với nữ họa sĩ là chỉ mong đưa được người con là liệt sĩ hy sinh ở Tây Ninh về quê nhà. Sau tâm sự đó, mẹ Tỏ và nữ họa sĩ cùng khóc. Còn với riêng nữ họa sĩ, ở Hà Tĩnh bà cũng có kỷ niệm khó quên. “Khi có kế hoạch vẽ ở Hà Tĩnh, tôi đã liên hệ với ngành LĐ-TB&XH địa phương và được báo con số là toàn tỉnh có 21 Mẹ VNAH. Nhưng khi tôi đến nơi, con số đã tụt xuống còn 20. Một mẹ đã ra đi mãi mãi cùng thời gian. Tôi như chết lặng, chỉ ước ao sao mình có thể chạy đua thắng được thời gian”, bà nhớ lại.
Nữ họa sĩ trên hành trình đi khắp 63 tỉnh thành vẽ chân dung Mẹ VNAH
Ngày 27/7/2024 vừa qua, tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2024). Trong lần gặp trước đây, thấy phóng viên mãi đứng tần ngần bên bức ký họa chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, khi biết Quảng Nam cũng là quê hương của phóng viên, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã kể lại ký ức cảm động về ngày bà gặp và vẽ mẹ Thứ. Đó là ngày 28/4/2010, khi nữ họa sĩ gặp mẹ Thứ, mẹ đang ốm nặng, dù không dậy được nhưng thần thái mẹ vẫn rất minh mẫn, Mẹ nghe hết câu chuyện và khẽ nắm tay nữ họa sĩ. Câu chuyện ấy, dáng hình ấy, thần thái ấy của người mẹ đã khiến cho nữ họa sĩ không nén được cảm xúc và quyết định vẽ mẹ ngay trong tư thế đang nằm, vừa vẽ vừa khóc. Quyết định chớp nhoáng ấy đã biến bức tranh mẹ Thứ thành bức tranh độc đáo duy nhất và trở thành tư liệu vô cùng quý giá cuối cùng về mẹ Thứ, vì không lâu sau đó mẹ qua đời…
“Với tuổi đời và tuổi Đảng của mình, trái tim tôi mãi mãi dành cho Tổ quốc”
Nữ họa sỹ Đặng Ái Việt ( Ảnh: Thông Hải)
Trao đổi với phóng viên, nữ họa sĩ cho biết, suốt dọc hành trình hơn thập kỷ đi và vẽ, bà đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Khi bà bắt đầu chuyến hành trình vào tháng 2/2010, thời điểm đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội đang là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Biết nghĩa cử của nữ họa sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân rất ủng hộ và đã giúp nữ họa sĩ hóa giải rất nhiều khó khăn về khâu thủ tục, giấy tờ trong hành trình đi, vẽ khắp đất nước cũng như luôn quan tâm tiếp thêm động lực cho nữ họa sĩ. “Tại tất cả các địa phương tôi đã đến, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền, của ngành LĐ-TB&XH (trên các tác phẩm vẽ Mẹ VNAH của nữ họa sĩ đều có xác nhận của ngành LĐ-TB&XH địa phương - PV). Nhận được những sự giúp đỡ này tôi càng mong muốn được vẽ nhiều hơn nữ để tri ân các Mẹ VNAH và trả “nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân”, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết.
Ngày 8/12/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã tổ chức trao xe máy tặng nữ họa sĩ, Anh hùng Lao động Đặng Ái Việt. Tại buổi trao tặng, Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 bày tỏ, họa sĩ Đặng Ái Việt dù đã cao tuổi nhưng những đóng góp và sự nỗ lực của bà thật đáng tự hào. Đó vừa là vinh dự của bà nhưng cũng là niềm vinh dự của người dân Việt Nam nói chung và cán bộ, chiến sĩ nói riêng khi đã miệt mài khắc họa chân dung các Mẹ VNAH. Bộ Quốc phòng trao tặng bà chiếc xe máy để bà có thể tiếp tục thực hiện hành trình quý giá. Nhận món quà, nữ họa sĩ bày tỏ: “Với tuổi đời và tuổi Đảng của mình, trái tim tôi mãi mãi dành cho Tổ quốc. Tôi mãi mãi là một người chiến sĩ làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”.
Năm 2010, 2011 và 2014, nữ họa sỹ Đặng Ái Việt lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục Châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung các Mẹ VNAH và là người vẽ chân dung Mẹ VNAH nhiều nhất. Nữ họa sỹ Đặng Ái Việt cũng là họa sỹ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2021. Những danh hiệu trên chính là phần thưởng cũng như sự ghi nhận của cộng đồng đối với những nỗ lực của bà. Hiện hơn 2.400 bức chân dung Mẹ VNAH của nữ họa sĩ đã được số hóa và đăng tải trên website do Trung tâm ứng dụng hệ thống địa lý TP. HCM xây dựng với mục tiêu lưu giữ và lan tỏa các tác phẩm ký họa Mẹ VHAH của nữ họa sĩ.
Hồng Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/nu-hoa-si-dang-ai-viet-nguoi-chep-su-bang-but-long-tren-hanh-trinh-dam-dai-dat-nuoc-post539708.html