Đột quỵ căn bệnh từng được xem là "chỉ dành cho người già", đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ. Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã tiếp nhận một trường hợp nữ sinh viên 20 tuổi bị đột quỵ sau khi chủ quan trước dấu hiệu bất thường trong lúc dùng điện thoại.
Theo TS.BS Nguyễn Thế Anh, Trưởng Đơn nguyên Đột quỵ – Bệnh viện Thanh Nhàn, đây là một ca bệnh để lại nhiều ấn tượng bởi độ tuổi quá trẻ của bệnh nhân. Cô gái nhập viện trong tình trạng mất thăng bằng, dáng đi loạng choạng và không thể viết được. Trước đó vài ngày, bệnh nhân từng có biểu hiện tê yếu tay, không bấm được số điện thoại, nhưng chủ quan nghĩ do mỏi cơ, không đi khám.
Bệnh nhân có tiền sử béo phì và sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong vòng một năm. Khoảng 1–2 ngày sau dấu hiệu ban đầu, khi các triệu chứng nặng dần, cô mới đến viện và được chẩn đoán đột quỵ.
Ảnh minh họa
Sau thời gian điều trị tích cực kết hợp phục hồi chức năng, nữ sinh đã dần đi lại và viết được trở lại. Cân nặng cũng giảm đáng kể, song bệnh nhân vẫn cần tiếp tục theo dõi định kỳ, luyện tập chức năng để ngăn ngừa tái phát.
Đột quỵ không còn là bệnh của người cao tuổi
Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, năm 2022, có khoảng 12 triệu ca đột quỵ được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó tới 16% xảy ra ở người dưới 45 tuổi. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, nhóm người trẻ và trung niên chiếm gần 1/3 số ca đột quỵ nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ dưới 30 tuổi có dấu hiệu tăng lên trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 10% tổng số ca. Không ít trường hợp chỉ mới 19–20 tuổi.
TS.BS Nguyễn Thế Anh cho rằng, sự gia tăng này chủ yếu đến từ lối sống kém lành mạnh phổ biến ở giới trẻ hiện nay.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Một số yếu tố nguy cơ được bác sĩ chỉ ra bao gồm:
Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn: Gây rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu – yếu tố hàng đầu gây đột quỵ.
Béo phì và lười vận động: Dễ dẫn đến tăng huyết áp, đái tháo đường – các bệnh nền nguy hiểm liên quan đến tai biến mạch máu não.
Thói quen ăn mặn: Gây tăng huyết áp nhưng thường bị xem nhẹ.
Lạm dụng thuốc tránh thai kéo dài: Nhất là loại có liều cao, có thể hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.
Sử dụng chất kích thích, rượu bia: Làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử: Gây tổn thương mạch máu, dễ hình thành cục máu đông.
Yếu tố bẩm sinh, di truyền: Dị dạng mạch máu não thường không được phát hiện cho đến khi có biến chứng.
Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần đặc biệt lưu ý
Bác sĩ Thế Anh khuyến cáo, người dân cần nhận biết sớm các triệu chứng điển hình của đột quỵ để kịp thời đến viện:
Méo mặt: Nhân trung lệch, miệng méo, cười không đều.
Yếu tay chân: Không thể nhấc tay lên hoặc đi đứng loạng choạng.
Khó nói: Nói ngọng, khó hiểu, không đáp lại lời người khác một cách chính xác.
Việc bỏ qua những tín hiệu "cầu cứu" của cơ thể có thể khiến người trẻ phải trả giá đắt. Trong trường hợp của nữ sinh nói trên, nếu đến bệnh viện sớm hơn, khả năng phục hồi có thể nhanh và đầy đủ hơn.
Chủ động phòng ngừa đột quỵ từ thói quen sống
Theo khuyến cáo từ chuyên gia, để phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt là trong nhóm người trẻ tuổi, cần thiết lập một lối sống lành mạnh:
Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Hạn chế ăn mặn, đồ chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn.
Không hút thuốc, không lạm dụng rượu bia.
Tránh tắm muộn vào ban đêm, đặc biệt là khi huyết áp không ổn định.
Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...
Trường hợp của nữ sinh 20 tuổi là hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của đột quỵ ở người trẻ. Đột quỵ không còn là căn bệnh của người cao tuổi. Sự chủ động thay đổi thói quen sống và nhận diện sớm các triệu chứng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi những biến chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng.
Xuân Vũ (T/H)