Hướng về Tổ quốc trên đất Pháp
Tiến sĩ Lương Bạch Vân sinh năm 1946 tại Sài Gòn. Cha mất khi mới 6 tháng tuổi, nên mẹ bà phải gửi con vào cô nhi viện tại Đà Lạt, sau đó làm quản gia cho một gia đình người Pháp. Năm 1952, mẹ bà sang Pháp và có gia đình mới, mở quán ăn rồi định cư tại đây, để lại bà đơn độc trong cô nhi viện.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân chia sẻ cảm xúc sau 50 năm thống nhất đất nước tại nhà riêng ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Bốn năm sau đó, bà Vân chuyển về ở với bà nội tại Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, TP.HCM). Dù bà nội của bà có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng nghề dệt chiếu và buôn bán nhỏ, nhưng vẫn cho bà ăn học đàng hoàng tại trường tiểu học nữ sinh Chi Lăng (nay là trường THCS Hà Huy Tập). Sau đó, bà học tiếp tại trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt (nay là trường THPT Võ Thị Sáu). Cuộc sống tuy vất vả nhưng cô học trò Vân ngày ấy lại học rất giỏi, được phần thưởng Ưu hạng năm học Đệ Thất.
"Hằng ngày chứng kiến cuộc sống khó khăn tại nơi mình ở, tôi ước mong lớn lên, làm được việc gì có ích cho người nghèo", Tiến sĩ Lương Bạch Vân nhớ lại.
Tháng 11/1960, bà được mẹ bảo lãnh sang Toulouse (Pháp). Mẹ muốn bà xin vào quốc tịch Pháp và làm việc tại quán ăn. Dù mới tuổi 14, nhưng bà Vân đã từ chối và giữ quốc tịch Việt Nam, sau đó, theo học tại trường Trung học của Pháp.
Trong 5 năm liền, mỗi ngày, ngoài giờ đến lớp, bà Vân làm việc cho quán ăn của mẹ đến khuya. Mỗi kỳ nghỉ hè, bà đều dành thời gian tham gia trại hè do Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức ở Villeneuve Loubet trên bờ biển Địa Trung Hải.
Trại hè chính là "cái nôi" để bà Vân nhận thức được sự phi nghĩa của chiến tranh tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước. Thông qua những buổi nghe thời sự qua sóng phát thanh, bà theo dõi tình hình cuộc chiến ác liệt trong nước, được đọc sách cách mạng như "Hòn Đất", "Cồn Cỏ" và dự các cuộc mít tinh tố cáo tội ác Mỹ – Ngụy.
Khi lần đầu được nghe kể chuyện về miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Tiến sĩ Lương Bạch Vân bộc bạch: "Tôi vui mừng vì đã tìm thấy một tổ chức phù hợp với nguyện vọng. Từ đó, tôi giữ liên lạc với phong trào và sau này khi lên Paris học, tôi tham gia Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội Trí thức Việt Nam tại Pháp để hoạt động".
Mùa hè năm 1967, bà Vân lên Paris để theo học Đại học Khoa học Orsay, nơi có nhiều tổ chức tiến bộ tổ chức mít tinh tố cáo tội ác chiến tranh, đòi Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Phân hội Sinh viên Orsay của bà Vân và những người bạn thường xuyên tập văn nghệ để trình diễn trong các cuộc mít tinh ủng hộ đất nước, tham gia làm chả giò bán lấy tiền để gửi qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhờ chuyển về quê hương.
Trong thời gian này, để gây quỹ hoạt động, Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức bán áo thun in hình em bé đội mũ rơm bên cạnh những hố bom, kèm dòng chữ "Thắng giặc Mỹ, em sẽ xây dựng đất nước đẹp hơn mười lần nay". Việc làm này vừa giúp có thêm tiền quyên góp, vừa tuyên truyền phong trào yêu nước, nên rất được cộng đồng ủng hộ.
Ra đi để trở về
Những ngày tháng 3/1975, bà Vân lúc đó đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại trường Lý Hóa Công nghiệp Paris, cơ sở giáo dục về kỹ thuật công nghệ hàng đầu tại Pháp. Qua sóng radio, bà Vân và những trí thức yêu nước trên đất Pháp nghe tin thắng trận của bộ đội Việt Nam tại Tây Nguyên, Đồng Nai và giải phóng Sài Gòn vào trưa 30/4/1975.
Phía bên kia, địch buông vũ khí nháo nhào tháo chạy. Thời khắc Sài Gòn được giải phóng, từ khoảng cách hơn 10.000km, trên đất Pháp, bà nghe tin mà vỡ òa, mừng vui khôn xiết. "Khoảnh khắc lịch sử đó tôi không biết là thật hay đang mơ", Tiến sĩ Lương Bạch Vân nghẹn ngào kể.
Cộng đồng người Việt tại Pháp nơi bà sinh sống mỗi người vui mừng theo cách riêng. Họ nhảy múa ca hát, người thì vội vàng nhấc điện thoại báo tin vui đại thắng cho bạn bè, người thân. Chuông điện thoại rung liên hồi. Các bạn Pháp gọi cửa mở sâm-banh ăn mừng Việt Nam chiến thắng.
Ngày hôm sau, nhân kỷ niệm Quốc tế lao động 01/5, bà cùng với những người Việt yêu nước khác xuống đường tham gia diễu hành mừng chiến thắng. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, người người hỏi han nhau: "Sắp tới sẽ làm gì?", "Khi nào về nước?"... Bạn bè quốc tế vui vẻ đón chào, cờ đỏ sao vàng phấp phới, cờ Mặt Trận Giải phóng tung bay giữa Thủ đô Paris. Những ngày sau đó, người người hối hả, vội vàng thu xếp nhà cửa để nhanh chóng chuẩn bị trở về nước. Có những gia đình rao bán nhà, xin nghỉ việc để về quê hương.
Trong đơn xin về nước gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, bà Vân và chồng mình là Tiến sĩ Nguyễn Bình khẳng định "sẵn sàng nhận bất cứ công việc gì, ở đâu, theo phân công của Nhà nước". Với vai trò là một trí thức, Tiến sĩ Vân kể từ khi rời Việt Nam sang Pháp, bà chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ lập nghiệp nơi đất khách quê người.
"Quê hương tôi là Việt Nam, Sài Gòn là quê quán của tôi và cha tôi đã hy sinh trên mảnh đất này. Bao nhiêu mồ hôi, xương máu của đồng bào đã đổ xuống để dành lại độc lập, tự do cho đất nước. Vì vậy, tôi nguyện cống hiến hết mình cho quê hương", Tiến sĩ Lương Bạch Vân nói.
Năm 1976, Tiến sĩ Vân vinh dự được tham gia đoàn kiều bào Pháp về Hà Nội tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Bà được chính quyền hỗ trợ chở vào Sài Gòn thăm gia đình bằng đường bộ. Trên con đường dài hơn 1.500km hướng vào Nam, bà chứng kiến những khu phố, những bản làng vẫn còn di chứng để lại của chiến tranh, với những hố bom loang lổ, những cây cầu tan nát, hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, nhà máy đóng cửa, chợ chưa họp. Đó cũng là lúc bà mong muốn được đóng góp sức của mình cho đất nước.
Sau khi thăm gia đình, bà trở về Pháp và quay lại quê hương vào năm 1978 bằng đường xe lửa. Hơn một tháng từ Pháp, bà cùng chồng và ba con nhỏ quá cảnh sang Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc rồi mới về Hà Nội. 18 năm học và làm việc tại Pháp, bà tích lũy những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại của Pháp và mong muốn đem những kiến thức mới, vật liệu mới, công nghệ mới về nước. Quá trình làm việc, bà tập hợp tài liệu, chuẩn bị hồ sơ 20 công trình có thể triển khai khi làm việc tại Việt Nam.
Đóng góp cho cộng đồng
Trong thời gian ở Pháp, Tiến sĩ Vân được phân công nghiên cứu theo dõi tỷ lệ phóng thích đồng của vòng tránh thai thế hệ 4 trong môi trường tử cung phụ nữ với tác dụng tránh thai 99,9%. Để làm vòng tránh thai này cần có nguyên liệu với các tính năng cơ lý hóa, các tiêu chí đặc trưng cần thiết khi sản xuất, cùng với đó là phương pháp tiệt trùng, bao gói sản phẩm…
Đất nước sau chiến tranh, nhiều gia đình sum họp đoàn tụ sau hàng chục năm, nên nguy cơ gia tăng dân số cao. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam lúc đó còn nghèo, cần thời gian phục hồi nên cần hạn chế tăng dân số. Nhìn ra thực trạng này, Tiến sĩ Vân khi đó mang hồ sơ nghiên cứu vòng tránh thai đến gặp lãnh đạo Sở Y tế. Sau đó, bà còn làm tờ trình gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt và hai ngày sau nhận được phúc đáp yêu cầu các sở ngành tạo điều kiện thực hiện đề án về chương trình kế hoạch hóa dân số Nhà nước.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân (áo sẫm màu) tại cuộc họp bàn triển khai chương trình vòng tránh thai tại Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Được sự chỉ đạo của Sở Y tế và các chuyên gia trong ngành, Tiến sĩ Vân cùng cộng sự thống nhất chọn sản xuất theo mẫu vòng tránh thai Dana (Tiệp Khắc) vì hệ thống phụ sản trong nước đã quen sử dụng loại vòng này.
Trong giai đoạn 1984-1985, đề án sản xuất vòng tránh thai trải qua quy trình thực hiện thử nghiệm sinh học trên động vật gồm chó, thỏ, mèo, chuột do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện. Việc kiểm tra các tính năng cơ, lý, hóa, độ đàn hồi do Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phụ trách. Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là cơ quan đánh giá tiệt trùng vòng tránh thai bằng tia xạ Gamma. Bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương là đơn vị tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Sản xuất thử nghiệm ban đầu với 50 vòng, sau đó lên 500, 1.000, rồi tăng đến 100.000 vòng. Tổng cộng, Tiến sĩ Vân và các cộng sự đã cung cấp hơn 5 triệu vòng tránh thai cho cả nước. Kết quả này giúp TP.HCM và toàn quốc thực hiện chương trình kế hoạch hóa dân số.
Năm 1987, Tiến sĩ Vân khi đó là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí chuyển giao công nghệ composite sản xuất ghe, xuồng, bồn chứa cho 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm đó, công nghệ composite được cho là phù hợp với điều kiện của Việt Nam vì không đòi hỏi thiết bị phức tạp, đầu tư tốn kém… Sau khi chuyển giao công nghệ, nhiều ghe, xuồng, bồn chứa, bồn nuôi thủy sản, bồn se sợi dâu tằm tơ… được triển khai rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân tham gia lớp đào tạo về vật liệu polymer cùng các chuyên gia nước ngoài. Ảnh: NVCC.
Thử nghiệm ghe bằng vật liệu composite do Tiến sĩ Lương Bạch Vân chế tạo tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: NVCC.
Làm nghiên cứu, nhưng Tiến sĩ Vân cũng giữ vai trò tập hợp kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM. Bà đề xuất triển khai hoạt động này tại tất cả các quận huyện của thành phố vào năm 2003. Theo bà, điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, bởi vì hằng năm, số lượng người Việt Nam trở về nước thăm gia đình rất đông. Các ban liên lạc là nơi triển khai các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ khi kiều bào về nước. Hoạt động hỗ trợ kiều bào được các hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc thực hiện như phổ biến các chính sách, thủ tục mua nhà, đầu tư, kinh doanh, hợp tác nghiên cứu giảng dạy, hoạt động xã hội từ thiện, bảo trợ bệnh nhân nghèo, cấp học bổng cho sinh viên…
Năm 2006, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM được thành lập do Tiến sĩ Lương Bạch Vân làm Chủ tịch. Hội tập trung tổ chức các hoạt động gắn kết kiều bào với quê hương bằng các phong trào ý nghĩa, thiết thực đã thực hiện trong thời gian qua.
Sau gần 50 năm về nước sống và làm việc, Tiến sĩ Vân nói rất biết ơn đội ngũ trí thức trong và ngoài nước đã luôn hợp tác, hỗ trợ giúp bà hoàn thành những hoạt động chuyên môn được giao.
"Tôi về nước trong điều kiện đất nước còn thiếu thốn, khó khăn và còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng dù công việc gì, tôi đều nhận được sự hợp tác tận tình của các đồng nghiệp giúp tôi hoàn thành công việc được giao và phấn đấu để cuộc sống người dân tốt hơn, đóng góp tối đa sức lực của mình cho cộng đồng", Tiến sĩ Lương Bạch Vân nói.
Gia Phúc