Nước mắm truyền thống kỳ vọng được bảo vệ

Nước mắm truyền thống kỳ vọng được bảo vệ
8 giờ trướcBài gốc
Cơ hội thiết lập lại thị trường
Về câu chuyện báo chí thông tin gây bất lợi cho sản phẩm, DN, nhiều người chưa thể quên câu chuyện “nước mắm truyền thống nhiễm asen” xảy ra cuối năm 2016. Sự việc khiến ngành nước mắm truyền thống “lao đao”. Sau đó, các ngành chức năng vào cuộc và kết luận, việc công bố khảo sát các mẫu nước mắm trên thị trường có hàm lượng asen vượt ngưỡng, nước mắm có độ đạm càng cao hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Tuy nhiên khảo sát này lại mập mờ, không giải thích rõ asen hữu cơ và asen vô cơ loại nào độc hại, loại nào không. Trong khi thực tế, trong nước nắm truyền thống là asen hữu cơ, không độc hại, còn quy định của Bộ Y tế về hàm lượng asen trong thực phẩm chỉ áp dụng với asen vô cơ.
Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc
“Chúng tôi mong người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để nhận diện đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp. Từ đó, người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn,” ông Nguyễn Huỳnh Anh Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh nước mắm Huỳnh Khoa (Phú Quốc) nói với PV Tiền Phong khi nhắc lại “cú sốc truyền thông” năm 2016. Khi đó, thông tin đăng tải đã khiến người tiêu dùng hoang mang, doanh số bán nước mắm truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà thùng phải ngưng hoạt động vì không tiêu thụ được hàng.
Với Nghị quyết 68 vừa được ban hành, ông Khoa kỳ vọng, sẽ được thể chế rõ định hướng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai lệch, không chính xác, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hợp pháp. Điều đó đảm bảo sự công bằng, ai làm thật được bảo vệ, ai làm giả bị xử lý. Nghị quyết 68 là cơ hội để siết lại tiêu chuẩn, bảo vệ những người làm thật.
Hiện Hội Nước mắm Phú Quốc có khoảng 54 hội viên, nhưng chỉ hơn 20 cơ sở còn hoạt động thường xuyên, giảm 50% so với 10 năm trước. Số còn lại tạm ngưng hoặc bỏ nghề vì khó khăn từ thị trường, sức cạnh tranh yếu, thiếu người truyền nghề. Phú Quốc có khoảng 7.000 - 8.000 thùng ủ nước mắm truyền thống, chủ yếu tập trung ở các hội viên của Hội Nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào ghi nhãn “nước mắm Phú Quốc” là được, phải có chứng nhận chỉ dẫn địa lý theo Quyết định 1401. Cần truyền thông rõ để người tiêu dùng hiểu điều đó.
“Đừng để người tiêu dùng bị đánh lừa”
Phó Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc - ông Huỳnh Quốc Thanh (chủ nhà thùng nước mắm Kim Hoa) cho rằng, truyền thông thiếu công bằng là nguyên nhân khiến nước mắm truyền thống gặp khó khăn trong cạnh tranh với nước mắm công nghiệp thời gian qua.
Theo ông Thanh, vụ việc năm 2016 là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực của truyền thông không lành mạnh. Chỉ đến khi các cơ quan báo chí chính thống vào cuộc, sự thật mới được làm rõ. “Người tiêu dùng hiện nay vẫn rất khó phân biệt nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp nếu chỉ nhìn vào bao bì. Trong khi đó, DN lớn có ngân sách quảng bá mạnh, còn cơ sở nhỏ, quy mô gia đình gần như không chen nổi trên truyền thông”, ông Thanh bày tỏ.
Hiện toàn Phú Quốc có khoảng trên 40 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống với sản lượng ước đạt khoảng 30 triệu lít/năm, phục vụ chủ yếu cho khách du lịch và xuất khẩu. Phú Quốc hiện là địa phương đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm. Nhiều cơ sở tại đây cũng tham gia chương trình OCOP và mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
NHẬT HUY
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nuoc-mam-truyen-thong-ky-vong-duoc-bao-ve-post1743754.tpo