Nước mắt hạnh phúc của mẹ 104 tuổi khi tìm thấy mộ phần con trai hy sinh 52 năm trước

Nước mắt hạnh phúc của mẹ 104 tuổi khi tìm thấy mộ phần con trai hy sinh 52 năm trước
4 ngày trướcBài gốc
52 năm đằng đẵng chờ tin con
Những ngày này, căn nhà nhỏ của cụ Phạm Thị Lài (104 tuổi, trú tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) luôn đông người qua lại. Họ đến không chỉ để chúc mừng cụ, mà còn để sẻ chia niềm vui sau 52 năm đằng đẵng chờ đợi. Người con mà cụ vẫn hằng mong nhớ – liệt sĩ Nguyễn Công Hòa (sinh 1951), con trai đầu của cụ Lài, nay đã tìm được nơi yên nghỉ.
Cụ Phạm Thị Lài và di ảnh liệt sĩ Nguyễn Công Hòa.
Người ta vẫn thường nói, thời gian có thể xóa nhòa tất cả. Nhưng với cụ Lài, thời gian chỉ khiến nỗi nhớ con thêm khắc khoải. Dẫu tuổi già cụ quên đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh người con trai khoác áo lính ra đi năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí. "Nhớ lắm. Đêm mô cũng mất ngủ vì nhớ con", cụ Lài nghẹn ngào nói.
Năm 1969, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Công Hòa lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn con đi, cụ Lài chuẩn bị sẵn sính lễ để hỏi cưới cho con trai nhưng anh Hòa đỡ lời: "Lỡ có chuyện chi ở chiến trường, con không muốn làm khổ ai cả. Con đi rồi con sẽ trở về", nói rồi anh Hòa đi đằng đẵng không trở về với người mẹ đang ngày đêm mong ngóng.
Câu chuyện đôi lúc bị ngắt quãng bởi cụ không kiềm được nước mắt vì nỗi thương con. "Ở trong làng, có mấy người đi cùng đợt với con thì về cả rồi, mà giờ răng con vẫn chưa về?", cụ Lài ôm lấy tấm di ảnh người con trai, bật khóc nức nở.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Lài đã quên nhiều thứ, nhưng chưa bao giờ quên người con trai đã hi sinh.
Hai năm sau ngày anh Hòa ra chiến trường, người em trai Nguyễn Công Bình cũng lên đường nhập ngũ. "Lo lắm chứ, nhưng đất nước cần, sao mình lại ngăn cản", cụ Lài nhớ lại. Và rồi, tháng 6/1973, tin dữ ập đến, anh Hòa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Cụ Lài như chết lặng. "Cái áo Hòa thích mặc nhất, tôi gói kỹ trên gác chạn. Rồi một hôm mở ra kiểm tra, cái áo bị mối ăn hết. Ít ngày sau, tôi nhận giấy báo tử của con", cụ Lài kể như một cái điềm xấu về người con được báo trước.
Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi lần đến ngày giỗ, mỗi mùa 27/7, người mẹ già lại đứng trước bàn thờ chắp tay cầu xin được tìm thấy mộ con trai trước khi nhắm mắt xuôi tay. "Có lẽ ông trời cho tôi sống thọ đến hôm nay là để chờ con về", cụ Lài nói trong nước mắt.
Niềm an ủi cuối đời…
Sau ngày miền Nam được giải phóng, anh Nguyễn Công Bình, người con trai duy nhất còn lại của cụ Lài tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Năm 1977, khi anh vẫn còn trong đơn vị, vợ chồng cụ Lài ở quê hương tìm vợ cho anh.
"Chồng tôi chỉ được về phép vỏn vẹn 4 ngày để làm đám cưới, rồi lại lên đường ra chiến trường. Sau đó, mỗi năm anh ấy chỉ có ít ngày về thăm nhà. Vợ chồng ít gặp nhau, nên phải mất nhiều năm sau khi cưới, chúng tôi mới có con", bà Phạm Thị Vinh (68 tuổi), con dâu cụ Lài kể.
Cụ Lài sống cùng con dâu, bà Phạm Thị Vinh ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương.
Những năm tháng chiến đấu trong rừng sâu đã khiến chồng bà Vinh mang trong cơ thể nhiều căn bệnh. Sau 15 năm quân ngũ, đến năm 1985, do sức khỏe suy giảm, anh Bình được xuất ngũ với tờ giấy chứng nhận bệnh binh, xác định tỷ lệ tổn thương 71%. Nhưng chỉ sum vầy với gia đình một thời gian ngắn, bệnh tật hành hạ nên qua đời khi tròn 32 tuổi.
Gia đình cụ chỉ còn lại người con dâu Phạm Thị Vinh. Nỗi đau mất mát khiến bà Vinh càng quyết tâm tìm lại phần mộ của anh chồng. Những năm tháng ấy, bà cặm cụi đạp xe hơn 100 km, tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, rồi lại sang Nghĩa trang Nầm (Hà Tĩnh). Bất cứ khi nào nghe tin có đợt quy tập hài cốt, bà Vinh lại khăn gói lên đường. Nhưng tất cả những chuyến đi ấy đều không mang lại kết quả.
Khi con trai bà Vinh, Nguyễn Công Quỳnh khôn lớn, anh tiếp tục hành trình dang dở của mẹ. "Hình ảnh bà nội cứ thẩn thơ ngồi trước thềm nhà mong ngóng bác trở về, mẹ thì tất tả khắp nơi tìm kiếm, đã in sâu trong tâm trí tôi", anh Quỳnh chia sẻ. Và rồi, năm 2022, phép màu đã đến.
Anh Nguyễn Công Quỳnh bên phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Hòa được tìm thấy tại Quảng Trị. (Ảnh: GĐCC)
Một người hàng xóm nhắn tin cho anh Quỳnh biết mạng xã hội đăng thông tin tìm thân nhân cho phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Đường 9, tỉnh Quảng Trị, trên bia mộ có tên Nguyễn Công Hòa, đơn vị là Sư đoàn 968. Linh cảm mách bảo, anh Quỳnh tức tốc lên đường. Sau khi đối chiếu hồ sơ và làm giám định ADN, kết quả xác nhận đó chính là bác ruột của anh.
Ngày nhận kết quả, cả gia đình ôm nhau khóc. Bao năm đằng đẵng, cuối cùng cụ Lài cũng có thể ngậm ngùi mà nói: "Con đã về với mẹ rồi."
Bây giờ, mong muốn lớn nhất của cụ Lài là được đến viếng mộ con rồi đưa hài cốt về quê nhà. Nhưng do cháu nội đang bận công tác xa, kế hoạch vẫn chưa thể thực hiện ngay. Dẫu vậy, cụ vẫn tin rằng ngày ấy không còn xa.
"Ngày con ra đi còn đói khổ không có chi ăn cả. Bây giờ nhờ Đảng, nhờ Chính phủ sướng rồi thì có còn con nữa đâu", cụ Lài nói trong nước mắt.
Những giọt nước mắt rơi xuống, hòa vào niềm vui lẫn tiếc nuối. Người mẹ già đã chờ đợi hơn nửa thế kỷ, cuối cùng cũng có thể thanh thản nhắm mắt khi biết rằng con mình đã thực sự trở về.
Hoàng Trinh
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nuoc-mat-hanh-phuc-cua-me-104-tuoi-khi-tim-thay-mo-phan-con-trai-hy-sinh-52-nam-truoc-172250329082253291.htm