Sở GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng cho giáo viên các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi học sinh sẽ thi 4 môn, trong đó, Ngữ văn và Toán là hai môn bắt buộc. Hai môn còn lại là tự chọn, học sinh được lựa chọn từ các môn đã được tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập theo chương trình lớp 12. Các môn tự chọn được chia thành ba nhóm: nhóm Khoa học xã hội (KHXH) gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn độc lập gồm Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ.
Từ kết quả kỳ thi thử...
Ngay từ đầu năm học 2024–2025, học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh đã phải đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT theo quy định mới của Bộ GD&ĐT tạo. Sự linh hoạt trong cơ cấu tổ hợp môn được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội rộng lớn cho học sinh phát triển theo năng lực cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc định hướng nghề nghiệp từ sớm. Theo kết quả kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, gần 70% học sinh toàn tỉnh lựa chọn tổ hợp KHXH, trong khi chỉ khoảng 30% chọn KHTN. Điểm trung bình bài thi tổ hợp KHXH đạt 6,37 điểm (mức khá), trong khi tổ hợp KHTN chỉ đạt 5,99 điểm, thấp hơn đáng kể.
Kết quả chung từ kỳ thi thử cho thấy, hầu hết các trường đều có điểm trung bình bài thi KHXH nhỉnh hơn, ngược lại, các môn KHTN với kiến thức trải rộng, yêu cầu vận dụng liên môn cao lại có điểm trung bình thấp hơn. Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ ở một số trường có thế mạnh về các môn KHTN, đơn cử như Trường THPT chuyên Chu Văn An và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, kết quả bài thi KHTN trung bình khá cao, dao động từ 7,1 đến 7,6 điểm.
Theo báo cáo phân tích kết quả kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2025 của Sở GD&ĐT tỉnh, bức tranh về kỳ thi thử vừa qua không chỉ phản ánh xu hướng lựa chọn tổ hợp môn thi mà còn chỉ ra những điểm yếu trong nền tảng học lực chung của học sinh. Môn Toán tiếp tục là “điểm trũng” đáng lo ngại, với điểm trung bình toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 4,02 điểm, thấp hơn nhiều so với yêu cầu chuẩn tốt nghiệp (chỉ 24,4% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, 75,6% dưới 5 điểm). Cùng đó, các môn thuộc tổ hợp KHTN cũng ghi nhận nhiều bài thi dưới trung bình, trong khi ở chiều ngược lại, môn Ngữ văn lại có tỷ lệ điểm trung bình khá cao, với 81,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
Đánh giá về kết quả kỳ thi thử, ông Hoàng Văn Thao, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Kỳ thi thử lần này đã phản ánh thực trạng học tập của học sinh, điểm mạnh ở các môn xã hội, điểm yếu rõ rệt ở môn Toán và tổ hợp tự nhiên. Đặc biệt, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giải quyết tình huống còn hạn chế. Đây là cơ sở quan trọng để phòng tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo các nhà trường điều chỉnh kế hoạch ôn tập trong giai đoạn nước rút.
Đến điều chỉnh kế hoạch ôn tập
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2025. Ngay sau kỳ thi thử, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường rà soát toàn bộ kế hoạch giáo dục, điều chỉnh nội dung và thời lượng ôn tập một cách linh hoạt, phù hợp với năng lực thực tế của học sinh. Trọng tâm là tập trung vào những kiến thức cốt lõi, bám sát ma trận đề thi tốt nghiệp THPT mới của Bộ GD&ĐT; đồng thời khảo sát nguyện vọng lựa chọn môn thi tốt nghiệp của từng học sinh để tổ chức lớp ôn tập phù hợp, phân nhóm theo năng lực để có phương pháp ôn luyện hiệu quả: tăng cường phụ đạo cho nhóm trung bình, yếu; đẩy mạnh luyện đề phân hóa cao với nhóm khá, giỏi.
Thực tế tại nhiều trường học cho thấy, kế hoạch ôn tập đã được điều chỉnh ngay sau đợt thi thử. Tại Trường THPT Hữu Lũng, nhà trường tổ chức ôn tập hai buổi mỗi ngày: buổi sáng tập trung củng cố kiến thức nền tảng, buổi chiều chia nhóm luyện đề theo từng khối thi (tổ hợp môn mà học sinh đã chọn), bám sát cấu trúc và dạng đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Tương tự, Trường THPT Việt Bắc chủ động triển khai chương trình “bồi dưỡng kép”, vừa hỗ trợ nhóm học sinh trung bình, yếu củng cố kiến thức, vừa bồi dưỡng nhóm khá, giỏi bằng hệ thống đề luyện nâng cao. Riêng Trường THPT chuyên Chu Văn An - đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả thi thử tiếp tục phát huy thế mạnh thông qua việc tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề và rèn luyện kỹ năng xử lý bài tập khó nhằm duy trì phong độ cao cho học sinh và đồng thời tránh tư tưởng chủ quan.
Song song với việc điều chỉnh kế hoạch ôn luyện tại các trường, công tác bồi dưỡng giáo viên cũng được Sở GD&ĐT đặc biệt chú trọng. Trong tháng 3/2025, sở đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng với sự tham gia của 769 giáo viên các bộ môn thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh. Nội dung các lớp bồi dưỡng tập trung vào định hướng phương pháp ôn tập theo chuẩn đầu ra, cập nhật cấu trúc đề thi chính thức; đồng thời tạo điều kiện để giáo viên các trường thảo luận, chia sẻ bộ đề ôn luyện và kinh nghiệm giảng dạy nhằm thống nhất mặt bằng chất lượng trong toàn tỉnh. Thông qua các đợt tập huấn này, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tăng cường quản lý chất lượng ôn tập, mỗi đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ kế hoạch và chương trình ôn thi của từng bộ môn theo tuần và tháng; thường xuyên dự giờ các lớp ôn tập, tổ chức sinh hoạt chuyên môn rút kinh nghiệm, đảm bảo việc dạy ôn đi đúng định hướng, bám sát yêu cầu của kỳ thi.
Theo kết quả kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, gần 70% học sinh toàn tỉnh lựa chọn tổ hợp KHXH, trong khi chỉ khoảng 30% chọn KHTN. Điểm trung bình bài thi tổ hợp KHXH đạt 6,37 điểm (mức khá), trong khi tổ hợp KHTN chỉ đạt 5,99 điểm, thấp hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong ôn luyện được đẩy mạnh như một giải pháp hỗ trợ đắc lực. Nhiều trường đã thành lập các nhóm học tập trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội để giao bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh; một số giáo viên sử dụng các phần mềm tạo đề thi và chấm bài tự động, thậm chí khai thác công cụ AI để gợi ý câu hỏi ôn tập mới, làm phong phú tài liệu luyện thi. Những đổi mới này không chỉ khiến học sinh hứng thú hơn trong học tập mà còn giúp thầy cô tiết kiệm thời gian, tập trung vào việc phân tích kết quả và điều chỉnh phương pháp giảng dạy kịp thời.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ nhà trường và ngành giáo dục, vai trò chủ động tự học của học sinh được khẳng định là yếu tố quyết định thành bại trong kỳ thi sắp tới. Ghi nhận tại các trường THPT cho thấy nhiều học sinh đã xác định rõ môn thi của mình, lập kế hoạch học tập khoa học, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn, thường xuyên luyện đề, tự đánh giá tiến độ và kiên trì điều chỉnh chiến lược học tập phù hợp. Đặc biệt, với những em có kết quả thi thử chưa như mong đợi, kỳ thi thử vừa qua đã trở thành động lực để các em thay đổi phương pháp học và nỗ lực gấp bội.
Học sinh khối 12 Trường THPT Việt Bắc thành phố Lạng Sơn ôn tập tại thư viện trường
Em Đỗ Phương Mai, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: “Sau kỳ thi thử, em lập thời khóa biểu học tập chi tiết, phân chia thời gian hợp lý cho từng môn. Em tự đặt mục tiêu cho từng tuần: buổi sáng ôn Toán, buổi chiều luyện Văn, buổi tối luyện đề Tiếng Anh, đều đặn mỗi ngày.” Tương tự, em Lê Huy Hoàng, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hữu Lũng cho biết: “Em tập trung nhiều hơn cho Hóa và Lý - hai môn em còn yếu. Nhà trường tổ chức ôn tập rất bài bản, nhưng bản thân em cũng chủ động luyện đề thêm ở nhà, tự chữa lại những câu làm sai để tiến bộ.”
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, kỳ thi chính thức sẽ diễn ra. Thời gian không còn nhiều, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành giáo dục, sự nỗ lực không ngừng của các nhà trường, thầy cô, gia đình và đặc biệt là ý chí bền bỉ tự học của học sinh, tin rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ khép lại bằng những kết quả tích cực.
HOÀNG TÙNG - BÍCH THUẦN