Nuôi cua trên đồng lúa - Mô hình '2 trong 1' của nông dân đất sen hồng

Nuôi cua trên đồng lúa - Mô hình '2 trong 1' của nông dân đất sen hồng
11 giờ trướcBài gốc
Nhờ mô hình nuôi cua đồng trên ruộng lúa mà nhiều hộ nông dân đã thoát khỏi đói nghèo. Ảnh: Quang Hanh
Từ thực tiễn mùa lũ
Rạng sáng một ngày đầu mùa nước nổi, trên cánh đồng phường Hồng Ngự, chúng tôi gặp lão nông Lưu Văn Tâm, năm nay đã hơn 70 tuổi, đang bì bõm lội nước thu những rọ cua cuối cùng trước giờ chợ. Chiếc xuồng nan lặc lè, nặng trĩu cua đồng khỏe mạnh, vàng ươm. Ông là một trong những người dân đi tiên phong ở phường Hồng Ngự thực hiện mô hình nuôi cua đồng trong ruộng lúa.
Chỉ vào những giỏ đựng cua đồng, lão nông Lưu Văn Tâm vui cười cho biết, Đồng Tháp vốn có “đặc sản” là lũ mà bà con miền Tây quen gọi là mùa nước nổi, mỗi năm mang về nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào, trong đó, cua đồng là con “đặc sản” nức tiếng. Nhận thấy tiềm năng ấy, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh bắt đầu hướng dẫn bà con nông dân rào bờ, đào mương bao, giữ nước và thả cua giống sau khi thu hoạch lúa.
Điểm nổi bật của mô hình này là nông dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, ốc bươu vàng, cá tạp, cám gạo làm thức ăn cho cua mà không phải đầu tư nhiều vào thức ăn công nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu chủ yếu là rào chắn, rọ tre và giống cua, trung bình khoảng 10-15 triệu đồng/ha, hoàn toàn nằm trong khả năng của đa số hộ nông dân. Ban đầu, chỉ có vài chục hộ ở Lấp Vò và Cao Lãnh tham gia; đến nay, đã lan ra hầu hết các xã, phường đầu nguồn sông Tiền như Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, hình thành những vùng chuyên canh lúa - cua quy mô hàng trăm héc ta.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, một héc ta lúa vụ 3 thường cho lợi nhuận ròng khoảng 18-22 triệu đồng. Khi kết hợp nuôi cua, nông dân thu thêm 350-450kg cua thương phẩm/vụ, doanh thu tăng khoảng từ 35-45 triệu đồng; lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu tư lưới, rọ, thức ăn... cao hơn sản xuất lúa đơn thuần 20-30 triệu đồng/vụ. Nhiều hộ nuôi giỏi sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, mang lại thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng/ha/năm, đây là con số đáng mơ ước với nông dân đất lúa.
“Tôi kết hợp trồng lúa và nuôi cua trong cùng một ruộng. Sau khi thu hoạch lúa xong, tôi giữ nước lại trong ruộng, cải tạo đất rồi thả cua giống. Cứ 3-4 tháng là thu hoạch được một lứa, cua đồng bán giá cao, đầu ra ổn định. Cua ăn ốc, cá tạp, bông lúa rụng; còn chất thải cua lại bổ sung hữu cơ cho đất, giảm 15-20% lượng phân hóa học nông dân phải bón vụ kế tiếp. Với khoảng 7 công ruộng lúa (7.000m² ruộng), mỗi năm, gia đình tôi có thể thu được từ 350-400kg cua thương phẩm, cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng lúa đơn thuần” - ông Tâm chia sẻ thêm.
Mô hình trồng lúa - nuôi cua không chỉ giúp tăng thu nhập, mà còn tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ, người cao tuổi khi phân loại, sơ chế cua. Chị Nguyễn Thị Tuyền, trú tại xã Thanh Bình, là người từng mưu sinh bằng nghề gặt lúa mướn, chia sẻ: “Tôi đầu tư 12 triệu đồng rào 7 công ruộng, thả 60kg cua giống, lúa lãi như thường, cua bán thêm được gần 70 triệu đồng. Tôi trả hết nợ ngân hàng, gom vốn làm hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn xoài”. Bà Nguyễn Thị Bé Tư, một thương lái tại chợ Cao Lãnh cho biết, mỗi ngày, vào vụ khan, bà thu gom 500-700kg cua sống từ các xã lúa - cua, đưa thẳng lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm lãi hơn chục triệu đồng. “Cua nuôi ruộng cơ bản sạch, ít tồn dư kháng sinh, dễ bán giá cao. Khách sạn, quán lẩu lớn chuộng hàng này vì kích cỡ đồng đều, thịt chắc” - bà Bé Tư nói.
Tương lai rộng mở
Với lợi thế về điều kiện đất đai, thủy văn và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của người dân, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cua theo hướng sinh thái, tuần hoàn và bền vững.
Con cua đồng trở thành “đặc sản” mùa nước nổi ở Đồng Tháp. Ảnh: Quang Hanh
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có ít nhất 2.000ha canh tác lúa - cua, trong đó, 50% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ; đồng thời hình thành các vùng nuôi tập trung gắn với chế biến và du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định, chính quyền nhiều địa phương ở Đồng Tháp đã khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Điển hình như HTX nông nghiệp Tân Khánh Trung đã thành lập Tổ sản xuất cua đồng với 38 thành viên, sản lượng hơn 150 tấn/năm. HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với một số siêu thị lớn ở thành phố Hồ Chí Minh với giá cao hơn thị trường từ 10-15%. Các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật, mua giống và vật tư đầu vào giá ưu đãi, đồng thời tham gia chuỗi sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, người nông dân yên tâm sản xuất, không còn nỗi lo được mùa, mất giá.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình lúa - cua còn có lợi ích sinh thái rõ rệt. Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, việc nuôi cua trên ruộng lúa giúp giảm 20% lượng thuốc trừ sâu và 25% phân hóa học so với trồng lúa đơn thuần. Cua sục bùn, tạo oxy cho đất, ăn sâu cuốn lá và côn trùng nhỏ, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế sâu bệnh và tăng độ phì nhiêu tự nhiên cho đất trồng lúa. Nhiều hộ kết hợp mô hình này với canh tác hữu cơ hoặc theo hướng VietGAP, từ đó bán được lúa với giá cao hơn thị trường từ 300-400 đồng/kg. Mô hình lúa - cua cũng được đánh giá là thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn và hạn hán ngày càng gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình nuôi cua đồng trên ruộng lúa không chỉ là giải pháp tăng thu nhập cho người nông dân, mà còn là hướng đi mới trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự đổi mới tư duy sản xuất, khi người nông dân biết khai thác lợi thế bản địa, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và kỹ thuật hiện đại. Từ những cánh đồng lúa hóa thành "ruộng cua", câu chuyện sinh kế của người dân đất sen hồng đang mở ra một chương mới: phát triển nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả, một mô hình có thể nhân rộng không chỉ trong tỉnh mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai gần.
Quang Hanh
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nuoi-cua-tren-dong-lua-mo-hinh-2-trong-1-cua-nong-dan-dat-sen-hong-post492410.html