Chủ động nguồn phân bón
Trong một lần đến miền Tây, ông Nguyễn Văn Thọ ở ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản đã được tham quan mô hình nuôi dơi lấy phân. Nhận thấy mô hình hiệu quả, có thể tiết kiệm chi phí mua phân bón nên ông Thọ đã xây dựng chuồng nuôi dơi trong vườn cao su. Chuồng dơi có diện tích 24m2, được xây dựng trên mảnh đất cao ráo, bên cạnh là ao nước tạo không gian thoáng mát. Trong chuồng treo nhiều chùm lá thốt nốt làm tổ cho dơi trú ngụ. Thời gian đầu, dơi bay về ít, về sau thì sống thành đàn. Vào mùa khô, mỗi ngày chuồng dơi cho thu khoảng 4kg phân. Mùa mưa, đàn dơi bay về trú ngụ dày đặc nên lượng phân thu được nhiều hơn. Phân dơi có thể sử dụng ở dạng tươi và khô. Đây là loại phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ NPK của phân dơi xếp ở vị trí đầu so với các loại phân hữu cơ khác như: phân bò, heo, gà, dê… Do vậy, khi sử dụng phân dơi, ông Thọ dùng một lượng ít hơn những loại phân chuồng khác để bón cho cây trồng. Ông Thọ cho hay: “Tôi trồng 100 cây vú sữa hoàng kim, hơn 1 ha sầu riêng, nhờ bón phân dơi mà cây luôn xanh tốt, cho năng suất cao. Từ ngày có phân dơi, mỗi năm tôi tiết kiệm được hơn 70 triệu đồng mua phân bón”.
Ông Nguyễn Văn Thọ ở ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản thu hoạch phân dơi
Về kỹ thuật làm chuồng, ông Thọ cho biết: Chuồng dơi được làm ở nơi cao ráo, yên tĩnh, gần ao hồ, mặt nước. Khoảng cách từ mặt đất đến chỗ treo lá làm nơi trú ngụ cho dơi khoảng 7m. Lá thốt nốt có thể sử dụng 1 năm mới phải thay. Trong quá trình nuôi, cần vệ sinh lá sạch sẽ. Nếu để lá bẩn, đàn dơi sẽ bỏ chuồng. Dưới chuồng dơi, ông Thọ căng lưới để thu hoạch phân mỗi ngày. Để nuôi dơi đạt hiệu quả thường làm 2 chuồng, vì khi 1 chuồng vệ sinh lá thì đàn dơi sẽ di chuyển sang chuồng bên cạnh. Dơi hoạt động vào ban đêm, khi trời chập choạng tối, dơi bay đi kiếm ăn. Thức ăn của dơi là muỗi, bướm, rầy. Ban ngày, chúng tìm nơi yên tĩnh để ngủ. Khi ngủ, dơi treo ngược thân, đầu chúi xuống đất. Vì vậy, chuồng dơi phải được làm ở nơi yên tĩnh, nếu có nhiều tiếng động thì chúng sẽ bỏ chuồng.
Mô hình nuôi dơi mới phát triển ở xã Minh Tâm trong thời gian gần đây. Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 hộ nuôi dơi lấy phân. Nhờ áp dụng mô hình này, các hộ dân đã chủ động được nguồn phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, một số hộ nuôi dơi còn tăng thu nhập nhờ cung cấp phân dơi cho thị trường các tỉnh miền Tây.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản TRƯƠNG VĂN HIỆP
Thu lợi nhuận cao
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Cường ở ấp 2, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản xây dựng 2 chuồng dơi, mỗi chuồng có diện tích 27m2. Khác với ông Thọ, ông Cường nuôi dơi để bán phân. Với 2 chuồng nuôi, mỗi ngày cho thu khoảng 6kg phân. Vào mùa mưa, đàn dơi bay về trú ngụ nhiều nên lượng phân tăng gấp đôi. Mỗi tháng, 2 chuồng dơi cho thu từ 180-300kg phân. Tùy thời điểm, giá phân dơi từ 50-55 ngàn đồng/kg, sau khi bán phân thu về từ 10-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Cường còn tư vấn, xây dựng chuồng và thu mua phân dơi cho những hộ nuôi trong và ngoài xã. Mỗi tháng, ông xuất bán từ 3-4 tấn phân dơi về các tỉnh miền Tây.
Ông Cường cho biết: “Phân dơi rất tốt, dùng bón cho cây ăn trái, cây cảnh. Hiện nay, lượng phân dơi trên địa bàn xã chưa đủ cung cấp ra thị trường. Vì vậy, tôi thường thu mua phân dơi của những hộ nuôi ở ngoài xã. Có bao nhiêu đại lý phân bón ở miền Tây họ mua bấy nhiêu”.
Nghề nuôi dơi giúp nhiều hộ gia đình tiết kiệm chi phí mua phân bón và thu lợi nhuận cao từ phân dơi
Phân dơi “hút hàng” được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh miền Tây
Dơi là loài động vật rất nhạy cảm với hơi người lạ, cũng như những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại chúng, nếu động dơi sẽ bỏ đi. Kẻ thù nguy hiểm với dơi là rắn, chim cú, rệp và kiến. Do đó, cần thường xuyên phát quang bụi rậm để hạn chế kẻ thù xâm hại dơi. Thông thường khoảng 1 tuần ông Cường giặt, phơi khô và thay lá thốt nốt mới. Thay lá vào lúc dơi ra khỏi chuồng đi ăn và thay nhanh trong 15 phút. Nếu thay không kịp thì thay khoảng 1/3, rồi hôm sau thay tiếp, vì nếu gặp người lạ dơi sẽ bỏ chuồng đi.
Theo ông Cường, nuôi dơi khá đơn giản, không tốn công chăm sóc, vì dơi thường sống theo từng đàn trong tự nhiên. Kinh phí xây dựng 1 chuồng dơi từ 50-60 triệu đồng. Hộ nuôi chỉ tốn chi phí xây dựng chuồng ban đầu, nhưng có thể sử dụng nhiều năm về sau. Nghề nuôi dơi ngoài tự sản xuất phân bón cho cây trồng, còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân tại xã Đồng Nơ.
Thùy Linh