Đầu ra cho dúi thương phẩm và dúi giống của gia đình chị Lường Thị Như ở xóm Bản Chương khá thuận lợi, các thương lái đến tận nhà thu mua.
Cùng với cán bộ xã Sảng Mộc, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lường Thị Như, ở xóm Bản Chương - một trong những hộ tiên phong nuôi dúi ở địa phương. Trong khu chuồng rộng khoảng 50m², chị Như giới thiệu cho chúng tôi từng khu vực nuôi dúi được chia theo lứa tuổi khác nhau.
Sau thời gian tìm hiểu và nhận thấy mô hình nuôi dúi ở một số xã lân cận cho hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2023, gia đình chị Như quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm. Tận dụng khu bếp cũ, chị xây dựng hàng chục ô bằng gạch và mua 5 cặp dúi bố mẹ về nuôi (giá 1 triệu đồng/cặp).
Vừa chăn nuôi, chị vừa học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước và qua mạng xã hội. Nhờ chăm sóc đúng cách, chỉ sau hơn hai tháng, dúi cái đã bắt đầu sinh sản. Dúi con được gia đình giữ lại nuôi, đến nay trong chuồng đã có tổng cộng gần 200 con, gồm cả con giống và dúi thương phẩm.
Chị Như cho biết: Từ đầu năm 2025, gia đình bắt đầu có dúi xuất bán, trung bình mỗi tháng 20-30kg dúi thịt, với giá dao động từ 400.000-420.000 đồng/kg; từ 10-15 cặp dúi giống, giá từ 420.000-500.000 đồng/cặp. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi dúi của gia đình chị Như, nhiều hộ dân trong xã Sảng Mộc đã đến học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm. Đầu năm nay, gia đình anh Nông Văn Dưỡng ở xóm Nà Ca đã mua 5 cặp dúi giống từ nhà chị Như về nuôi. Sau gần 5 tháng chăm sóc, đàn dúi của anh phát triển tốt, tăng lên gần 20 con.
Anh Dưỡng cho hay: Lúc đầu tôi cũng khá lo lắng vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy dúi là loài vật dễ chăm sóc, ít bị bệnh, lại không tốn nhiều công. Thức ăn chủ yếu là tre, trúc, mía, sắn, ngô, cỏ voi, toàn những thứ sẵn có ở địa phương nên chi phí rất thấp. Tính ra, sau khoảng 4 tháng nuôi, chi phí cho mỗi con dúi chỉ khoảng hơn 50.000 đồng.
Với lợi thế chi phí thấp, dễ nuôi, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, phù hợp với điều kiện của người dân trong xã, đặc biệt là ở những hộ có ít đất canh tác nên từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay trên địa bàn xã Sảng Mộc đã có gần 20 hộ dân chăn nuôi dúi với quy mô từ 10 đến 200 con. Đa phần các hộ dân đều tận dụng không gian cũ như nhà bếp, chuồng lợn, chuồng trâu, bò bỏ trống để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Ông Mai Duy Yến, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, chia sẻ: Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, chúng tôi sẽ có giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy phép, quản lý trong quá trình nuôi dúi; vận động các hộ liên kết thành tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và đầu ra cho sản phẩm; phối hợp với ngành chức năng của huyện mở các lớp tập huấn cho bà con trong xã…
Với sự chủ động của người dân và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, mô hình nuôi dúi đã và đang mở ra một hướng đi mới, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân xã vùng cao Sảng Mộc, địa phương khó khăn nhất huyện Võ Nhai hiện nay.
Vũ Công