Ở bất cứ đâu, trong bất cứ ngành nghề, đều có sự đóng góp bền bỉ của phụ nữ

Ở bất cứ đâu, trong bất cứ ngành nghề, đều có sự đóng góp bền bỉ của phụ nữ
3 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng: Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: CP
Thủ tướng và các đại biểu đã thăm khu trải nghiệm thực tế ảo phòng truyền thống, trực tiếp trải nghiệm buổi thực hành robot cùng sinh viên ngành công nghệ thông tin và thăm phòng studio thực hành của học viên ngành truyền thông của Học viện.
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập, được thành lập vào năm 2012 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Học viện kế thừa truyền thống của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương, đào tạo hàng chục nghìn cán bộ phụ nữ trong suốt nhiều thập kỷ.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi tới tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và toàn thể phụ nữ Việt Nam nói chung lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỗi gia đình, cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc
Ôn lại quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc, với nhiều đau thương, mất mát trong công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua thời kỳ cấm vận kéo dài, thực hiện công cuộc đổi mới để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỗi gia đình, từng cộng đồng, xã hội và mỗi quốc gia, dân tộc. Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Quan điểm "Nam, nữ bình quyền" của Đảng và Bác Hồ kính yêu được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Bác luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của phụ nữ và từng căn dặn: "Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa".
Đặc biệt, Người khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới với quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".
Nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng vì sự phát triển của phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện hiệu quả, góp phần phát huy vai trò, tạo môi trường để phụ nữ Việt Nam phát triển, ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội.
"Có thể nói, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào của đất nước, đều có sự hiện diện và vai trò to lớn, đóng góp bền bỉ, không mệt mỏi của chị em phụ nữ" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đặc biệt, các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua đã tạo môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội; nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2025 là 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%. Khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam do phụ nữ làm chủ. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Thủ tướng nêu rõ, góp phần quan trọng vào những thành công đó của phụ nữ Việt Nam có vai trò nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Thủ tướng vui mừng khi thấy Học viện Phụ nữ Việt Nam - nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cán bộ làm công tác phụ nữ, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị, đồng thời là nơi duy nhất ở Việt Nam đào tạo đại học ngành "Giới và phát triển", đã kế thừa và phát huy tốt thành tựu phát triển hơn 60 năm của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương; đạt được những thành tích quan trọng, rất ấn tượng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được của Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói chung, đóng góp cho sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quang cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh: CP
Nghiên cứu chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao
Thủ tướng nhắc lại, cách đây 60 năm, tại Đại hội liên hoan phụ nữ "5 tốt" năm 1964, Bác Hồ kính yêu đã dạy: "Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập".
Trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định rõ nhiệm vụ: "Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình".
Thủ tướng nhấn mạnh, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bằng phẩm chất, tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái, với tinh thần quyết tâm cao, cùng cả nước nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ ngành, địa phương liên quan và Học viện Phụ nữ Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai thiết thực, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Các cấp Hội phụ nữ tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 2022-2027.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm sát sao, chỉ đạo, hỗ trợ Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đạt được; bám sát sứ mệnh và giá trị cốt lõi: "Đoàn kết; Tận tụy; Sáng tạo; Chất lượng".
Quyết tâm chính trị cao hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; không ngừng chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển và tầm nhìn đã đề ra; chú trọng tạo sự khác biệt, giá trị riêng có của Học viện Phụ nữ Việt Nam so với các cơ sở đào tạo khác.
Tham gia sâu hơn vào quá trình thúc đẩy thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ Hội.
Tăng cường kết nối để các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia nhiều hơn, sâu hơn, thực chất hơn vào quá trình đào tạo tại Học viện; hỗ trợ người học phát huy năng lực sáng tạo, khả năng tư duy phản biện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tăng cường hợp tác quốc tế; phát huy tiềm năng, thế mạnh và khẳng định uy tín, vị thế; tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới…
Thủ tướng giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để Học viện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục đại học, phục vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu, tham mưu chính sách đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và cam kết của Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 về bình đẳng giới.
Thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội cùng với Bộ Xây dựng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với Học viện nghiên cứu một địa điểm để phát triển Học viện phát triển xứng tầm hơn, có không gian tốt hơn cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất. Hiện đang có nhiều chính sách với phụ nữ, với Học viện đang được lồng ghép trong các chính sách chung, cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù…/.
HỒNG NHUNG
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/o-bat-cu-dau-trong-bat-cu-nganh-nghe-deu-co-su-dong-gop-ben-bi-cua-phu-nu-35601.html