Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh tư liệu
Thưa ông, hiện có ý kiến cho rằng sau khi Nhà nước góp vốn vào DN, phần vốn này đã trở thành tài sản của DN - một pháp nhân độc lập nên không còn được coi là tài sản công. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại DN, “đầu tư vốn nhà nước vào DN là việc Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào DN” và “vốn nhà nước tại DN bao gồm vốn từ NSNN, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ NSNN; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại DN, quỹ hỗ trợ sắp xếp DN; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại DN”.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công định nghĩa tài sản công là “tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, bao gồm nhiều loại tài sản công, trong đó có tài sản công tại DN. Quy định về tài sản công tại DN theo điều 97 của Luật này chỉ rõ: “Tài sản công do Nhà nước giao cho DN quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại DN và tài sản công do Nhà nước giao cho DN quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại DN”.
Từ quy định tại 2 Luật trên cho thấy: Việc Nhà nước đầu tư vốn vào DN để hình thành tài sản (ngắn hạn, dài hạn) và/hoặc giao tài sản công cho DN quản lý và tính thành phần vốn nhà nước tại DN để DN hoạt động theo mục tiêu kế hoạch của Nhà nước đều do DN - một pháp nhân độc lập - quản lý, sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật và đều thỏa mãn điều kiện là tài sản công.
Tuy nhiên, do việc hình thành tài sản tại DN có những đặc điểm riêng nên việc xác định cụ thể đối tượng là tài sản công tại DN cũng có những điểm khác biệt so với cách xác định tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội khác.
Theo đó, DN theo dõi, phản ánh tài sản và nguồn hình thành tài sản ở phạm vi rộng hơn (nguồn hình thành tài sản bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả, trong đó, vốn chủ sở hữu có thể bao gồm cả chủ sở hữu nhà nước và các thành phần kinh tế khác, trong nợ phải trả cũng bao gồm nhiều đối tượng chủ nợ...) nên tài sản tại DN có thể hình thành từ cả nguồn đầu tư từ Nhà nước, ngoài Nhà nước, nguồn khác và công tác quản trị nguồn hình thành tài sản cũng mang tính linh hoạt cao hơn.
Vì vậy, cần tiếp cận đúng bản chất định nghĩa về tài sản công tại DN dưới góc độ quy định pháp luật trên cơ sở xem xét đầy đủ quy định tại 2 Luật nêu trên để từ đó có phương thức quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với đối tượng này. Vấn đề này đã và đang được rà soát, làm rõ để phân cấp, phân quyền quản lý trong Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN.
Việc xác định đúng bản chất phần vốn nhà nước tại DN là tài sản công sẽ đảm bảo cho KTNN thực hiện kiểm toán đúng nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả kiểm toán có giá trị thực hiện cao, thuyết phục.
Từ việc cần làm rõ bản chất tài sản công tại DN, theo ông, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN nên quy định cơ chế kiểm toán ra sao để bảo đảm nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước, ở đó có kiểm toán?
Theo quy định của pháp luật, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Như vậy, đối tượng kiểm toán được xác định rất rộng chứ không chỉ kiểm toán đối với riêng tài sản công.
Còn việc kiểm toán phần vốn nhà nước sau khi góp vào DN, theo tôi, cần phải thực hiện theo đúng nguyên tắc hoạt động kiểm toán của KTNN là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp; trong đó lưu ý cần xem xét vai trò của chủ sở hữu vốn Nhà nước khi tham gia góp vốn vào doanh nghiệp có tư cách như một cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết theo tỷ lệ vốn góp để có cách ứng xử phù hợp quy định pháp luật.
Tôi cho rằng, hiện nay, KTNN đã và đang kiểm toán theo đúng quy định tại khoản 10 Điều 55 Luật KTNN, tức là kiểm toán toàn diện theo pháp luật, chuẩn mực, quy trình kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm cả DN do Nhà nước đầu tư 100% vốn.
Riêng đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, chỉ khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp. Như vậy, xét về quy định pháp luật kiểm toán thì mọi khoản vốn Nhà nước đầu tư vào DN đều thuộc đối tượng kiểm toán và KTNN có thể thực hiện kiểm toán theo luật KTNN mà không cần quy định cơ chế kiểm toán tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh thực tiễn áp dụng Luật KTNN và quy định pháp luật có liên quan thì việc kiểm toán phần vốn nhà nước tại các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống trong tổng số DN thuộc nhóm này vẫn đang ở mức độ giới hạn. Nguyên nhân do quyền biểu quyết của đại diện Nhà nước không đảm bảo chi phối các quyết định hoạt động của các DN này cho nên việc áp dụng các biện pháp kiểm soát DN cần phải phù hợp với Luật DN, pháp luật có liên quan và thông lệ quốc tế.
Vì vậy, chỉ khi cần thiết phải kiểm toán các DN này, Tổng Kiểm toán nhà nước mới quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp để thực hiện. Xin nhấn mạnh là chỉ khi cần thiết và như thế nào là cần thiết phải do Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định chứ không thể kiểm toán tất cả các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Điều này tôi cho rằng phù hợp với quy định của Luật DN và thông lệ quốc tế cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Vậy cơ chế phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và KTNN cần được hoàn thiện ra sao để tăng cường hiệu quả giám sát và sử dụng vốn nhà nước tại DN, thưa ông?
Theo tôi, cơ chế phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan kiểm toán cần được xem xét dưới hai góc độ: Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu là đối tượng kiểm toán của KTNN thì phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát và quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Ở góc độ là cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KTNN thực hiện kiểm toán các DN phục vụ mục tiêu cụ thể của mình theo khoản 2 Điều 10 Luật KTNN (trừ các cuộc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán mà KTNN xây dựng, báo cáo Quốc hội, công bố công khai và tổ chức thực hiện theo kế hoạch). Cơ chế phối hợp này thực tiễn đã được quy định của Luật KTNN, tôi cho rằng không cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, trừ trường hợp các bên có nhu cầu ký kết các cơ chế phối hợp để thuận tiện trong quá trình thực hiện các sự vụ, nhiệm vụ cụ thể thì cũng không cần quy định tại Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÙY ANH