Ô nhiễm không khí tiếp tục tăng: Cần giải pháp cấp bách

Ô nhiễm không khí tiếp tục tăng: Cần giải pháp cấp bách
7 giờ trướcBài gốc
Đã đến lúc cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để giải quyết hiện tượng báo động này.
Liên tiếp chuỗi ngày “báo động đỏ”
Hà Nội liên tục lọt top những TP ô nhiễm không khí nhất thế giới trong những ngày gần đây. Theo trang IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí sáng 15/1 tại Hà Nội ở mức 259 (màu tím "chất lượng không khí rất xấu"), đặc biệt tại khu vực Bắc Từ Liêm ở mức cao nhất là 296, mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Trong khi đó, tính trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone (VN Air) do Bộ TN&MT xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h50 phút sáng 15/1 thuộc về TP Hà Nội và TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) với chỉ số AQI lần lượt ở mức 211 và 208 màu tím "chất lượng không khí rất xấu”.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Quý
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội dịp cuối năm là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Trong đó, mật độ phương tiện giao thông tăng cao dịp cuối năm là một trong những tác nhân chính. Khói bụi từ hàng ngàn chiếc ô tô, xe máy thải ra môi trường hàng ngày khiến bầu không khí trở nên ô nhiễm. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng, san lấp mặt bằng diễn ra tại nhiều nơi trong TP cũng góp phần không nhỏ vào việc phát tán bụi mịn vào không khí.
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, trong 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, thì mùa Đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm như: gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa Đông Hà Nội gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
Cũng theo chuyên gia này, thời tiết không phải là nguyên nhân mà là tác nhân làm tăng giảm chỉ số AQI gây ô nhiễm không khí. Người dân thường nghĩ tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí là ung thư phổi. Trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo rằng, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 - 300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Cần hành động ngay
Các chuyên gia môi trường khẳng định, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp hiệu quả là vô cùng cấp bách. Trong ngắn hạn, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng. TS Hoàng Dương Tùng cho biết, qua nhiều năm khảo sát, quan trắc, người ta thấy việc ô tô, xe máy lớn là nguồn gây ô nhiễm đáng kể trong các đô thị, không chỉ riêng Hà Nội hay các TP lớn của Việt Nam, mà ngay cả các đô thị lớn trên thế giới. Một trong những giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng là xây dựng các vùng phát thải thấp. “Hiện nay, có hơn 300 vùng phát thải thấp được xây dựng trên thế giới. Và đã có đánh giá cho thấy, sau khi xây dựng vùng phát thải thấp thì chất lượng không khí tại các vùng đó tốt hơn, ô nhiễm không khí giảm rõ rệt” – TS Hoàng Dương Tùng nói.
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, TS Hoàng Dương Tùng đánh giá cao việc TP vừa có Nghị quyết xây dựng vùng phát thải thấp theo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, các vùng phát thải thấp sẽ hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm, không đạt tiêu chuẩn cho phép. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội giảm dần lượng phát thải ra không khí, từ đó tiến tới cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về nguồn phát thải để có được những số liệu cụ thể mang tính khoa học. “Khi có những số liệu tin cậy về nguồn phát thải thì Hà Nội mới có thể đặt ra mục tiêu giảm phát thải trong 5 năm là bao nhiêu, 10 năm là bao nhiêu. Có như vậy mới đến được cái đích cần đến theo lộ trình” – TS Hoàng Dương Tùng nhận định.
Theo các chuyên gia, ngoài việc hạn chế các nguồn phát thải ra môi trường bằng những chính sách, chế tài cụ thể, những giải pháp “mềm” như tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, cũng không thể thiếu. Bài toán ô nhiễm không khí không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động xanh, góp phần tạo nên một môi trường sống trong lành hơn cho chính mình và cho các thế hệ tương lai. Về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, kiểm soát chặt chẽ khí thải công nghiệp. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết vấn đề này, bảo vệ sức khỏe người dân và bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân… Nhiệm vụ này, Thủ tướng lưu ý Hà Nội và các địa phương báo cáo Chính phủ về cơ chế, nguồn lực, hoàn thành trong quý I/2025.
Nguyễn Quý
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/o-nhiem-khong-khi-tiep-tuc-tangcan-giai-phap-cap-bach.html