Ô nhiễm không khí trong nhà - mối nguy hiểm thầm lặng

Ô nhiễm không khí trong nhà - mối nguy hiểm thầm lặng
6 giờ trướcBài gốc
Khi nhắc đến ô nhiễm không khí, phần lớn chúng ta thường nghĩ ngay đến khói bụi ngoài đường phố, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, một điều ít người biết là không khí bên trong chính ngôi nhà của bạn nơi tưởng như an toàn nhất lại có thể ô nhiễm không kém, thậm chí còn tệ hơn. Nhiều nghiên cứu gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí trong nhà, và đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
Ô nhiễm không khí trong nhà là gì?
Ô nhiễm không khí trong nhà là sự hiện diện của các chất độc hại trong không gian sống như nhà ở, trường học, văn phòng làm việc. Nguồn gốc của những chất này rất đa dạng: từ vật dụng nội thất, sản phẩm tẩy rửa, hoạt động nấu nướng, thuốc lá, cho đến các thiết bị đốt nhiên liệu như bếp gas, lò sưởi.
Trong số đó, có sáu tác nhân gây ô nhiễm chính được các chuyên gia liệt kê: khói thuốc lá, khí CO (carbon monoxide), khí radon, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), các chất hóa học công nghiệp như trichloroethylene và benzen, cùng với các hạt bụi siêu mịn (PM2.5). Những chất này không chỉ tồn tại âm thầm mà còn có khả năng gây tổn thương lâu dài cho sức khỏe con người.
Tác động của ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe và giải pháp cải thiện
Mặc dù hiện nay vẫn chưa có đủ dữ liệu dịch tễ học để xác định chính xác mức độ tổn hại do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra, nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rõ mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong không gian kín và hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trước hết, hệ hô hấp là nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Việc hít phải các hạt bụi siêu mịn, khói từ quá trình nấu ăn hoặc khí độc phát ra từ bếp gas có thể khiến các bệnh lý như hen suyễn, viêm phổi và viêm phế quản xuất hiện hoặc trở nên trầm trọng hơn. Không chỉ vậy, hệ tim mạch và thần kinh cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi các hạt siêu mịn thâm nhập vào máu, lắng đọng trong tim và não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn thần kinh. Một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như benzen và trichloroethylene đã được chứng minh là gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài, trong khi việc phơi nhiễm với các chất ô nhiễm này ở phụ nữ mang thai còn liên quan đến nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân, dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Điều đáng lo ngại là hầu hết các chất ô nhiễm trong nhà đều không nhìn thấy được và không có mùi, khiến nhiều người không nhận thức được mức độ nguy hiểm mà mình đang đối mặt ngay trong chính không gian sống của mình.
Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp đơn giản và thiết thực để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trước hết, cải thiện hệ thống thông gió là yếu tố quan trọng. Hãy mở cửa sổ vào những thời điểm không khí ngoài trời trong lành, sử dụng quạt hút khi nấu ăn hoặc dùng các sản phẩm tẩy rửa, và đảm bảo hệ thống điều hòa được vệ sinh định kỳ cùng bộ lọc không khí đạt chuẩn. Việc thay đổi cách nấu ăn cũng rất quan trọng. Nên hạn chế sử dụng bếp gas nếu có thể, hoặc bảo đảm bếp luôn thông thoáng khi sử dụng. Ưu tiên phương pháp nấu ít sinh khói như luộc, hấp thay vì chiên rán, và đừng quên bật quạt hút để khói không tích tụ trong không gian kín. Đồng thời, hãy giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất dễ bay hơi như nước xịt phòng, nến thơm hoặc tinh dầu đốt, thay vào đó là chọn sản phẩm tẩy rửa dạng kem và khăn lau ẩm. Các vật dụng nội thất mới nên được đặt ở nơi thông thoáng vài ngày trước khi đưa vào sử dụng để giảm thiểu phát thải VOC.
Việc kiểm soát bụi và hạt mịn cũng là một khía cạnh quan trọng. Nên hút bụi thường xuyên bằng máy có bộ lọc, dọn dẹp nhà cửa bằng khăn ẩm để hạn chế bụi bay vào không khí, và tránh đốt củi hoặc hút thuốc trong nhà. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc đầu tư một số thiết bị hỗ trợ như máy lọc không khí để loại bỏ bụi mịn và một số chất ô nhiễm, hoặc sử dụng máy đo chất lượng không khí để theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các thiết bị đã được kiểm định về độ chính xác và hiệu quả.
Dù chưa thể loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm không khí trong nhà, nhưng bằng cách thay đổi thói quen và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong chính không gian sống quen thuộc hằng ngày. Hãy ghi nhớ ba từ khóa đơn giản mà các chuyên gia khuyến nghị: "thông gió, thông gió và thông gió" bởi không khí sạch chính là nền tảng cho một cuộc sống khỏe mạnh.
Newscientist
H.Thanh
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/o-nhiem-khong-khi-trong-nha-moi-nguy-hiem-tham-lang-164734.html