Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Yếu tố quyết định thành công hay không, tùy thuộc rất lớn vấn đề tổ chức nền công vụ phục vụ trên mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Phải có một nền công vụ phục vụ thực sự, quản lý nhà nước chuyển sang phục vụ, đặc biệt cho doanh nghiệp và người dân. Đó là điều kiện bảo đảm cho thành công. 4 nghị quyết mang ý nghĩa chiến lược của Trung ương vừa qua, tất cả đang tập trung vận hành đưa về tới chính quyền cơ sở. Do đó, nâng cao chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở mới có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương”.
Người dân làm thủ tục đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Long Thành. Ảnh: Hoàng Lộc
Được lòng dân thì việc gì cũng làm được
“Hôm nay, tôi ra xã (phường) làm thủ tục đất đai/xây dựng/đăng ký kinh doanh cá thể…” là câu nói quen thuộc của người dân 95 xã, phường ở Đồng Nai, kể từ khi toàn bộ 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước chính thức đi vào hoạt động theo mô hình quản trị mới. Bộ máy hành chính xã, phường hiện nay giống như hình ảnh thu nhỏ của một huyện, thành phố (trước đây), nhưng khác biệt ở chỗ đã xóa bỏ các tầng nấc, khâu trung gian không cần thiết, giúp tiết kiệm công sức, thời gian, rút ngắn tiến độ giải quyết hồ sơ trực tiếp liên quan nhu cầu thiết yếu, thường xuyên của người dân.
Cán bộ cấp xã lúc này được trao thêm thẩm quyền, đồng nghĩa kéo theo tăng trách nhiệm bắt buộc. Quá trình tương tác với người dân, các “đầy tớ” của dân giờ đây chịu ràng buộc chặt chẽ 2 chữ “trách nhiệm” không chỉ mặc định theo nghĩa thông thường là thực hiện tốt nhiệm vụ, mà còn nếu làm việc không hiệu quả, không làm hài lòng người dân, thì phải nghiêm túc chịu trách nhiệm trước dân.
Lòng dân, chính xác hơn là mức độ hài lòng của người dân, là thước đo vô hình nhưng công tâm, khách quan, chuẩn xác nhất để kiểm nghiệm năng lực, phẩm chất, uy tín đối với những người được trao sứ mệnh “công bộc”. Từng cán bộ phải thuyết phục lòng dân một cách tự nhiên, thông qua phẩm cách, hành động thực chất. Ai ngại khó, ngại va chạm, xuất hiện tâm lý né tránh, đùn đẩy, qua loa đối phó… thì người dân sẽ nhận thấy hết. Lòng dân vì thế còn trở thành công cụ lợi hại thanh lọc bộ máy, tinh giản biên chế, định hình rõ nét mô hình tổ chức bộ máy “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Các tầng lớp nhân dân sẽ nhiệt thành chung tay đóng góp công sức, trí tuệ, vào hiện thực hóa khát vọng đưa Đồng Nai thành cực tăng trưởng mới, hiện đại, văn minh, nghĩa tình, khi đội ngũ cán bộ dẫn dắt năng nổ, hăng hái, sâu sát thực tiễn, gần dân, sát dân, thương dân, đặc biệt gương mẫu nói đi đôi với làm.
Ngay từ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp, tổ chức bộ máy xã, phường, nơi chính quyền gần dân nhất, trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Nai đã quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi từ phong cách hành chính sang phục vụ, kiến tạo phát triển. Mọi cố gắng, nỗ lực đều hướng vào xây dựng chính quyền liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, xứng đáng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Tất cả đang tạo nên một luồng sinh khí mới thúc đẩy bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tăng tốc, liên thông, đồng bộ, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Ghi nhận thực tế tại nhiều trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường cho thấy, đại đa số người dân hài lòng sau khi trải nghiệm dịch vụ, qua đó, tăng sự “tụ tâm”, tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối của bà con vào cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này của Đảng, Nhà nước.
Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, cho hay: “Tôi tin rằng, sức mạnh nội lực của hai địa phương đã hợp nhất thành một, sẽ càng phát huy cao hơn. Đồng thời, kỳ vọng các tổ chức được hình thành sau hợp nhất tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn để góp phần kiến tạo và xây dựng tỉnh Đồng Nai mới ngày càng phồn vinh, giàu mạnh và nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn nữa”.
Với khí thế phấn chấn, tích cực lan tỏa rộng khắp, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai kỳ vọng “mỗi người dân, doanh nghiệp sẽ là một "đại sứ" cho sự phát triển”, tạo xung lực bứt phá cho tỉnh. Dân chủ kết tinh sức mạnh của “chiếc chìa khóa vạn năng”, do đó, tương lai Đồng Nai phát triển vượt bậc theo cấp số nhân, không đơn thuần là dự cảm lạc quan mà chính là nhận định có cơ sở.
Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên Hồ Văn Nam kiểm tra công tác tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường. Ảnh: Công Nghĩa
“Phép thử” nâng tầm cán bộ
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân là nền hành chính vì lợi ích của nhân dân, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân... làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.
Từ kỳ vọng, gửi gắm, thậm chí có thể xem đây là “áp lực” (nhìn theo hướng tích cực) từ phía người dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn phải tự làm mới mình, cố gắng bắt nhịp, thích nghi công việc bận rộn, năng động, sáng tạo, bảo đảm thạo việc, đúng vai, thuộc bài.
Nhiệm vụ nặng nề đặt ra ở cơ sở hiện nay được coi như “phép thử” đối với những cán bộ được Trung ương, tỉnh lựa chọn, chỉ định tham gia gánh vác vị trí chủ chốt, nhất là người đứng đầu, khát khao khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, linh hoạt xoay chuyển tình thế, hoàn thành tốt trọng trách mới.
Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức phải coi thay đổi môi trường công tác là cơ hội để bản thân tiếp tục rèn luyện ý chí vượt qua thử thách, hoàn thiện năng lực, phẩm chất, phát huy sở trường. Mong muốn mỗi cá nhân sẽ là một nhân tố tích cực trong việc xây dựng quy chế hoạt động, dũng cảm đưa ra quyết định cải tiến quy trình làm việc, nhanh chóng vận hành bộ máy mới một cách trơn tru, bài bản, từng bước định hình một nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, lần đầu tiên luật hóa cơ chế trọng dụng người tài trong khu vực công, phản ánh đúng tinh thần đổi mới về nhân sự khu vực nhà nước.
Theo đó, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể… Mục quy định những việc cán bộ, công chức không được làm, hàng đầu lưu ý loại trừ hành vi trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc… Có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp...
Bộ máy mới càng không có chỗ cho biểu hiện ì ạch, lối mòn, sẽ loại bỏ "công chức cắp ô" và không để lọt người yếu kém, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà. Chỉ một thời gian ngắn nữa, thực tiễn vùng đất hơn 4,4 triệu dân Đồng Nai sinh sống hôm nay, sẽ ghi dấu ấn rõ nét cán bộ, công chức, viên chức nhiệt huyết, hội đủ điều kiện đảm đương, gắn bó, đồng hành thúc đẩy sự nghiệp chung tiến bộ, cũng như nhận diện, đào thải những trường hợp phải rời đi khỏi khu vực công.
Nguyễn Thị Thanh Hải