Ô tô đưa đón học sinh phải sơn màu vàng từ năm 2025: An toàn là yếu tố cốt lõi

Ô tô đưa đón học sinh phải sơn màu vàng từ năm 2025: An toàn là yếu tố cốt lõi
6 giờ trướcBài gốc
Trên cả nước có nhiều trường học sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh. Ảnh minh họa: ITN
Theo nhìn nhận từ chuyên gia, việc quy định màu sơn cho xe đưa đón học sinh chỉ là một yếu tố, quan trọng vẫn là chất lượng xe và kỹ năng, phẩm chất tài xế cũng như người phụ trách đưa - đón trẻ.
Tăng tính nhận diện
Theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2025, ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non, học sinh ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết xe chuyên dùng chở trẻ mầm non, học sinh.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương này, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) đánh giá, mọi người khi tham gia giao thông sẽ nhận dạng dễ dàng đó là xe chuyên chở học sinh, trẻ mầm non. Các đơn vị vận tải phải chấp hành nghiêm các quy định và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng là học sinh.
“Công tác đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ mầm non là một trong những nhiệm vụ thường xuyên được phòng GD&ĐT quán triệt, chỉ đạo để các trường thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, bố trí nhân sự đủ điều kiện về sức khỏe, trình độ tham gia đưa đón học sinh, trẻ mầm non đảm bảo an toàn mỗi ngày”, bà Phạm Thị Lệ Hằng nhấn mạnh.
Hiện có hơn 1.000 học sinh tham gia sử dụng dịch vụ xe đưa đón mỗi ngày, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT M.V.Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, Chính phủ quy định sơn thống nhất một màu vàng cho các xe đưa đón học sinh là phù hợp thực tế nhằm tăng tính nhận diện.
Theo thầy Tùng, nhiều năm nay, nhà trường luôn thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của thành phố về xe đưa đón học sinh và chỉ ký kết với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý và đội ngũ lái xe lành nghề, chuyên nghiệp. Trường cũng bố trí lực lượng quản sinh tương ứng với khoảng 50 xe bao gồm loại 16 chỗ, 35 chỗ và 45 chỗ.
“Mỗi xe có một lái xe và một nhân viên có nhiệm vụ quản lý học sinh, kiểm soát việc các em lên/xuống xe cũng như suốt quá trình di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại. Ở độ tuổi trung học, các em có những thay đổi về tâm sinh lý nên thầy cô phải tăng cường khâu giám sát ngay cả trên ô tô. Tất cả nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh”, thầy Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.
Điều thầy Tùng còn trăn trở đó là nếu đã sơn màu vàng thì những chiếc xe này mặc định chỉ để sử dụng để đưa đón học sinh thay vì tranh thủ chở khách vào thời gian trống trong ngày hoặc ngày nghỉ. Như vậy, chi phí để chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh có bị tăng lên không cũng cần phải tính đến.
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT M.V.Lômônôxốp, Hà Nội.
Quan trọng là con người
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp đến từ Học viện Quản lý Giáo dục cho hay, Chính phủ quy định xe đưa đón học sinh phải được sơn màu vàng thống nhất trên toàn quốc là cần thiết nhằm phân biệt với các xe khác khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người cũng như chất lượng hoạt động mỗi chiếc xe.
Vị chuyên gia dẫn giải, màu sơn chỉ là một trong các yếu tố, cốt lõi nằm ở chất lượng kiểm định về mặt kỹ thuật cũng như phẩm chất, năng lực lái xe. Một khi cha mẹ đã giao con cho nhà trường thì đòi hỏi đầu tiên phải là an toàn cho học sinh, sau đó mới đến các yêu cầu khác về học tập. Vấn đề đạo đức, tư cách cũng như kỹ năng xử lý các tình huống trên đường cần được trang bị thật tốt cho lái xe.
“Làm chặt ngay từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải uy tín, tuyển dụng những lái xe có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp tốt; người quản lý tận tâm giám sát học sinh cộng với chất lượng hoạt động của xe ổn định thì chúng ta mới có thể yên tâm. Tháng 9/2020, một ô tô 45 chỗ chở học sinh Trường Tiểu học Lý Nam Đế, quận Nam Từ Liêm va chạm với tàu hỏa khi đi qua đường ray khiến một số em bị thương là ví dụ điển hình về kỹ năng của tài xế”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nói.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đặt ra nhiều yêu cầu riêng với xe chở học sinh. Ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non, học sinh phải được cấp đăng ký xe và gắn biển số xe, đảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe từ 8 chỗ trở lên, không kể chỗ của người lái xe phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Ngoài ra, trên xe phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; màu sơn theo quy định của Chính phủ. Riêng ô tô chở trẻ mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp theo quy định của pháp luật.
Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ: Người quản lý, lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Người lái ô tô đưa đón trẻ mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách, theo quy định của luật.
“Các cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý nắm vững và thực hiện đúng quy trình. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm của thầy cô, đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh. Nếu vi phạm phải bị xử lý nghiêm chứ không thể xuề xòa vì liên quan đến an toàn, sức khỏe của trẻ”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nêu quan điểm.
Đình Tuệ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/o-to-dua-don-hoc-sinh-phai-son-mau-vang-tu-nam-2025-an-toan-la-yeu-to-cot-loi-post713008.html