Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên các tiểu vùng thời tiết khí hậu với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông sản theo hướng hiện đại, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng sản phẩm OCOP.
Khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Hà Giang đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong đó bám sát các mục tiêu: phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Hà Giang đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Khi mở rộng phát triển các sản phẩm OCOP tại vùng đồng bào dân tộc đã góp phần nâng cao dân trí và thu nhập cho người nông dân; góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sản phẩm tham gia chương trình OCOP Hà Giang bao gồm các sản phẩm đặc trưng, chủ lực; các làng, điểm du lịch của tỉnh có giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã khai thác và phát huy những phương thức độc đáo trong nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Trồng ngô trong các hốc đá để nấu rượu ngô men lá; Sử dụng hạt của cây hoa Tam giác mạch để chế ra loại rượu đặc sản chỉ có ở vùng cao nguyên đá; Nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên, chế biến bằng thủ công và thưởng thức chè Shan tuyết của đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Pà Thẻn, Lô Lô tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần, nuôi cá chép trong ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc để nâng cao thu nhập và phục vụ phát triển du lịch tại huyện Hoàng Su Phì, tập quán chăn thả và nuôi dưỡng bò vàng của đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn… Đây là những đặc điểm độc đáo trong nông nghiệp chỉ có ở các huyện vùng cao và đã được các ngành chức năng của Hà Giang khai thác để phát triển các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Hà Giang đã ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP như kiện toàn lại hệ thống quản lý, điều hành; tổ chức sản xuất vắn với phát triển vùng nguyên liệu; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP…
Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Đặc biệt, Hà Giang đặc biệt chú trọng tới công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế và tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.
Nhằm đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang, góp phần khẳng định vị thế thương hiệu này trên thị trường; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh, nhiều sự kiện, hội chợ được tổ chức. Đơn cử như ngày 20/12/2024, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức “Không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tiêu biểu tỉnh Hà Giang gắn với công bố chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang năm 2024”.
Việc mở không gian trưng bày là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cơ hội truyền tải những thông điệp, giá trị sản phẩm của đơn vị đến với người tiêu dùng, du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình “Không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tiêu biểu tỉnh Hà Giang gắn với công bố chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang năm 2024” còn được livetream trực tiếp trên các nền tảng số của tỉnh Hà Giang.
Bích Đào