Đề xuất 7 vấn đề đổi mới mang tính đột phá trong xây dựng pháp luật

Đề xuất 7 vấn đề đổi mới mang tính đột phá trong xây dựng pháp luật
5 giờ trướcBài gốc
Trong phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra sáng 12/2, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày trước Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015).
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
Thứ nhất, tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tăng cường kiểm soát quyền lực, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy.
Theo đó, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã; bổ sung một hình thức nghị quyết của Chính phủ; thay đổi từ quyết định sang thông tư của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Dự thảo Luật còn quy định 36 hình thức VBQPPL (giảm 5 hình thức so với Luật hiện hành) và do 30 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 6 chủ thể so với Luật hiện hành).
Điểm mới nữa là dự thảo Luật phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy theo hướng Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số chủ thể. Sửa đổi, bổ sung khái niệm “quy phạm pháp luật”, “chính sách” làm cơ sở xác định thẩm quyền của các chủ thể trong lập pháp và lập quy; quy định Quốc hội ban hành luật để quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội nhằm “luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước”.
Thứ hai, bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm để giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.
Thứ ba, đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội, tách quy trình chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm.
Theo dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội, hoàn thành trước ngày 1/10 của năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, để trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 12/2. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Thứ tư, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch quy trình chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm; phân định rõ hơn quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (cơ quan trình quyết định chính sách, Quốc hội quyết định dự thảo); thu hẹp phạm vi các trường hợp phải thực hiện quy trình chính sách; đơn giản hóa quy trình về tổng thể và có sự cân đối, điều chỉnh cụ thể, tập trung thời gian, nguồn lực vào một số bước quan trọng để nâng cao chất lượng chính sách và dự thảo luật.
Đối với các luật, pháp lệnh cần thực hiện quy trình chính sách gồm 4 bước cơ bản, số thủ tục hoặc một số loại hồ sơ, tài liệu sẽ được đơn giản (với quy trình này, có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống 10 tháng).
Sửa đổi, bổ sung quy định xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quy trình này sẽ chỉ mất khoảng 1-2 tháng (giảm được 6 - 8 tháng so với hiện hành).
Dự thảo cũng bổ sung quy định xây dựng, ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt như tình trạng khẩn cấp hoặc sự cố, thảm họa...
Thứ năm, quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.
Thứ sáu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Về nội dung, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng Kỳ họp.
Đinh Nhung
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-7-van-de-doi-moi-mang-tinh-dot-pha-trong-xay-dung-phap-luat-38195.html