OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 1 - Đưa đặc sản bản địa bước vào quy trình quốc gia

OCOP Hòa Bình - đánh thức tinh hoa bản địa: Bài 1 - Đưa đặc sản bản địa bước vào quy trình quốc gia
7 giờ trướcBài gốc
Hòa Bình bước vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2019 với tâm thế không chỉ là "một tỉnh miền núi làm theo chủ trương lớn”, mà như một cuộc tìm kiếm và đánh thức những giá trị lâu đời vẫn ẩn sâu trong mỗi bản làng, cánh đồng, triền núi. Sau 5 năm nhìn lại, OCOP ở Hòa Bình không chỉ là những con số tăng trưởng về sản phẩm, số sao hay doanh thu. Đó còn là sự thay đổi trong tư duy sản xuất, là sự trở mình của các hợp tác xã, hộ gia đình, là cách chính quyền địa phương đồng hành và "cầm tay chỉ việc” với người dân. Là những giá trị văn hóa được giữ lại trên hành trình phát triển.
Tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 4/2025, Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đặc trưng, gắn với du lịch Hòa Bình đến du khách trong nước, quốc tế.
Một chiều cuối năm 2019, trong hội trường của UBND huyện Cao Phong, cuộc họp đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đầu tiên diễn ra với sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh, cán bộ ngành nông nghiệp và cả những người nông dân lần đầu biết đến cụm từ "OCOP”. Trên bàn, không phải tài liệu dày cộp, mà là những quả cam tròn căng, những lọ mật ong thơm ngọt… như một lời giới thiệu mộc mạc: "Đây là sản vật của chúng tôi”.
Ít ai ngờ, những sản phẩm quen thuộc, những món quà quê mộc mạc ấy, nay lại được đưa vào một quy trình đánh giá cấp quốc gia - nơi mà mỗi màu sắc bao bì, mỗi mã QR truy xuất, mỗi tiêu chuẩn sản xuất đều được đánh giá bằng một ngôi sao.
Hòa Bình bước vào hành trình OCOP năm 2019 không ồn ào, nhưng đầy quyết tâm.
Từ chủ trương lớn
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc từ năm 2018, như một chiến lược mới để tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng tầm nông sản bản địa và gìn giữ những giá trị truyền thống giữa thị trường hiện đại. Nhưng để một chủ trương không dừng lại ở khẩu hiệu, điều quan trọng là mỗi địa phương phải tìm được cách "kéo” xuống gần với người dân. Hòa Bình "nhập cuộc” từ năm 2019, với quyết tâm không để những giá trị bản địa chỉ tồn tại trong lễ hội hay phong tục, mà phải được "gắn sao”, định danh và sống được bằng cơ chế thị trường.
Ngày 26/4/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 878/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, một hệ thống thực thi được thiết lập nhanh chóng: Ban Chỉ đạo chương trình OCOP cấp tỉnh ra đời, do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP được thành lập, làm đầu mối thẩm định và công nhận sản phẩm mỗi năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) được giao làm cơ quan thường trực, phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để tổ chức thực hiện. Các huyện, xã chủ động thành lập Tổ giúp việc, xây dựng kế hoạch triển khai riêng, gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.
"Ở cấp huyện, OCOP không chỉ là một chương trình của trên đưa xuống”, mà trở thành một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm”- đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu khẳng định.
Một số huyện như Cao Phong, Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu… sớm thể hiện tinh thần chủ động bằng việc rà soát tiềm năng, tổ chức hội nghị, tập huấn cho các chủ thể là hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ. Có nơi, cán bộ xuống tận thôn, bản vận động bà con dệt lại vải thổ cẩm, nuôi lại vịt cổ xanh, trồng lại cà gai leo - những sản vật tưởng chừng đã bị bỏ quên vì không chen chân nổi vào thị trường.
Cùng với xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện chương trình, Hòa Bình đẩy mạnh công tác truyền thông và "đánh thức nhận thức”. Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề, đưa OCOP trở thành một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các sở, ngành, hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đồng loạt vào cuộc: mở lớp tập huấn, lồng ghép tuyên truyền OCOP qua hội nghị, mạng xã hội… Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Huy Nhuận, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã huy động hơn 47,5 tỷ đồng để triển khai chương trình OCOP. Kinh phí này được sử dụng cho các hoạt động đào tạo, tập huấn về nông thôn mới và OCOP, hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP của tỉnh…
Có thể thấy Hòa Bình đã tạo dựng được nền móng vững chắc: bộ máy chỉ đạo rõ ràng, vai trò các cấp được phân công cụ thể, ý thức người dân từng bước thay đổi. Đó là bước khởi động cần thiết cho một hành trình dài, nơi mỗi sản phẩm bản địa không còn chỉ là "của quê mình”, mà sẽ mang theo kỳ vọng về một thương hiệu mới - thương hiệu của vùng đất Hòa Bình bản sắc và bền bỉ vươn lên.
Đến quy trình mới cho sản phẩm cũ
Ở một xã của huyện vùng cao Mai Châu, những phụ nữ từng quen ngồi dệt vải bên bếp lửa, nay bắt đầu tập… chụp ảnh sản phẩm, ghi lại quy trình sản xuất, học cách viết mô tả công dụng, tra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở huyện Lương Sơn, một chủ nông trang bưởi Diễn lần đầu tiên biết đến mã QR truy xuất nguồn gốc và tem chống hàng giả… Từ những bước đi chập chững ấy, OCOP mở ra một quy trình chưa từng có với sản vật bản địa - một quy trình để sản phẩm quê nhà trở thành hàng hóa có vị trí trên thị trường.
Tại Hòa Bình, quy trình đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP được thực hiện chặt chẽ theo đúng bộ tiêu chí quốc gia. Sau khi rà soát sản phẩm tiềm năng ở từng xã, các huyện tổ chức đánh giá sơ bộ và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Hội đồng OCOP tỉnh sau đó tổ chức chấm điểm, xếp hạng sao với sự tham gia của nhiều ngành: nông nghiệp, khoa học công nghệ, công thương, y tế, văn hóa... Việc xếp hạng dựa trên 6 nhóm tiêu chí, từ chất lượng sản phẩm, bao bì, chỉ dẫn địa lý đến khả năng tiếp thị, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện sản phẩm. Có thể nói, chưa bao giờ những đặc sản như mật ong, thổ cẩm, măng khô… lại được đánh giá kỹ lưỡng và bài bản đến vậy.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, để người dân, hợp tác xã không "lúng túng trong sân chơi mới”, tỉnh đặc biệt chú trọng đào tạo, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Trong 3 năm đầu triển khai, tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ xã, huyện và các chủ thể OCOP. "Khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động này được linh hoạt chuyển sang hình thức trực tuyến qua zoom, zalo, email - một cách làm sáng tạo giúp chương trình không bị đứt gãy” - đồng chí Nguyễn Huy Nhuận cho biết.
Chủ thể được hướng dẫn từng bước, từ việc lập phương án kinh doanh, quy trình sản xuất, đến thiết kế tem nhãn, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật. Sở Nông nghiệp và Môi trường còn phối hợp với các chuyên gia tư vấn độc lập, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, gắn mã truy xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP…
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Hòa Bình đã đạt những kết quả đáng khích lệ ngay trong giai đoạn đầu. Năm 2019 - năm đầu đánh giá, tỉnh có 16 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Đến cuối năm 2020, con số này tăng lên 70 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm 3 sao, thuộc về 59 chủ thể, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Những con số ấy không chỉ phản ánh sức bật của sản vật bản địa, mà còn là kết quả của một cách làm bài bản, nền móng để OCOP Hòa Bình bước vào giai đoạn phát triển sâu hơn, rộng hơn.
OCOP không chỉ là cuộc "thi sản phẩm” theo nghĩa hành chính. Đó là quá trình chuyên nghiệp hóa sản xuất nông thôn, nơi người nông dân không chỉ làm ra nông sản, mà học cách làm kinh tế, kể chuyện văn hóa, quản trị thương hiệu. Với Hòa Bình - vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng giàu bản sắc, việc xây dựng quy trình bài bản cho sản phẩm bản địa cũng chính là cách giữ lấy những giá trị xưa cũ, trong một dáng hình mới, với khát vọng vươn xa.
Để OCOP thực sự trở thành lực đẩy dài hơi, Hòa Bình đã dành nhiều tâm sức xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ. Đó chính là "bệ đỡ” thầm lặng nhưng quyết định độ bền của mỗi ngôi sao trong từng sản phẩm OCOP.
(Còn nữa)
Hải Yến
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/220/200813/ocop-hoa-binh-danh-thuc-tinh-hoa-ban-dia-bai-1-dua-dac-san-ban-dia-buoc-vao-quy-trinh-quoc-gia.htm