Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: "Xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông là giải pháp quan trọng, nhằm làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền với các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh".
Ðơn cử như thời điểm đầu năm, Ban ATGT đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Sự kiện đi bộ hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2024, kêu gọi “Ðã uống rượu bia - Không lái xe”, có hơn 400 hội viên, phụ nữ, thành viên Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành, ban ATGT các huyện, thành phố tham dự và đông đảo người dân hưởng ứng. Phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ ký cam kết bản thân và gia đình không vi phạm pháp luật về ATGT, có 100% cán bộ, hội viên thực hiện đăng ký gia đình không vi phạm pháp luật, ATGT đường bộ, đường thủy. Ra mắt 9 câu lạc bộ Phụ nữ xây dựng “Tuyến đường nhà tôi an toàn” tại 18 xã thuộc 9 huyện, thành phố; thành lập mô hình Câu lạc bộ phụ nữ vận động người thân, cộng đồng “Ðã uống rượu, bia - Không lái xe”...
“Hằng năm, hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, Ban ATGT tỉnh tổ chức các hoạt động: tuyên truyền về tổn thất, mất mát do TNGT; tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân TNGT và gia đình nạn nhân tử vong do TNGT trên địa bàn các huyện, TP Cà Mau, phát các thông điệp về tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT và các biện pháp phòng tránh TNGT”, ông Bằng cho biết thêm.
Gameshow “An toàn giao thông - Bình an cuộc sống” tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Theo ông Bằng, mặc dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song trong công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, từng lúc, từng nơi chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao (thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...). Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra. Chưa tạo môi trường thực hành, tạo điều kiện để các đối tượng được tuyên truyền chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Nhằm phát huy tính hiệu quả của hoạt động tuyên truyền trong công tác đảm bảo TTATGT, đã qua, tỉnh xây dựng và triển khai đề án tuyên truyền ATGT chuyển thể thành Gameshow “An toàn giao thông - Bình an cuộc sống”. Gameshow được xây dựng với tinh thần gần gũi, sống động và không kém phần kịch tính. Mục tiêu hướng đến là thông qua Gameshow này góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của Nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông an toàn, để mọi thành viên trong xã hội có ý thức và có trách nhiệm khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông, nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả. Gameshow còn có ý nghĩa thúc đẩy tinh thần trách nhiệm để mỗi cá nhân trở thành tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền, vận động người thân và mọi người xung quanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT.
“Nhằm cụ thể hóa chiến lược quốc gia về đảm bảo TTATGT đường bộ, với mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hằng năm, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp quan trọng, sát với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, tuyên truyền, đổi mới hình thức tuyên truyền vẫn được xác định là nhóm nhiệm vụ quan trọng. Ðồng thời, sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả, đồng thời kêu gọi sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân vào mục tiêu giảm TNGT, giảm gánh nặng do TNGT gây ra. Ðể làm được điều này, mỗi người dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên cần là tuyên truyền viên, cùng đưa pháp luật giao thông đến gần và triển khai có hiệu quả trong cộng đồng dân cư, cuộc sống”, ông Bằng chia sẻ./.
Văn Ðum