Có hai điều đáng chú ý nhất ở đề nghị này của ông Putin.
Thứ nhất là không gắn với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Cho tới nay, phía Nga chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp với Ukraine khi phía Ukraine và cả các đồng minh quan trọng nhất của Ukraine phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết nhất định của Nga. Tất cả những điều kiện tiên quyết ấy của Nga đều không được Ukraine và đồng minh chấp nhận. Thật ra, sự không chấp nhận này không có gì khó hiểu, bởi chấp nhận chúng đồng nghĩa với việc chấp nhận đã thua Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Thứ hai, ông Putin đề nghị đàm phán trực tiếp với Ukraine nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh và giải quyết luôn tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh này, không đề cập gì đến khả năng đồng ý ngừng chiến, kịch bản lộ trình đàm phán về ngừng chiến trước và sau đấy mới đàm phán về chấm dứt cuộc chiến và giải quyết tất cả các vấn đề liên quan.
Cách tiếp cận này của ông Putin khác biệt với cách tiếp cận của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump, của EU nói chung cũng như của Anh, Pháp và Đức. Trong khi Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU chưa biết nên phản ứng thế nào về đề nghị mới này của ông Putin, ông Zelensky vẫn nhắc lại quan điểm lâu nay là Nga phải chấp nhận ngừng chiến trước, sau đó mới đàm phán hòa bình trực tiếp.
Ông Putin đưa ra đề nghị trên sau khi Anh, Pháp và Đức cùng lên tiếng đòi ông Putin chấp nhận ngừng chiến 30 ngày, bắt đầu ngay từ ngày 12/5 và dọa sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như gia tăng mức độ trừng phạt Nga nếu phía Nga không đồng ý, coi đó là một dạng tối hậu thư đối với Nga. Cùng lúc đó, chính quyền mới ở Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, cho dù không ồ ạt như chính quyền tiền nhiệm. Phe này công khai tăng cường gây áp lực đối với Nga.
Trong bối cảnh tình hình như vậy, đề nghị nói trên của ông Putin là một nước cờ sách lược cả về chính trị lẫn ngoại giao. Ông Putin dùng đề nghị đàm phán chấm dứt cuộc chiến tranh để vô hiệu hóa đề xuất ngừng chiến 30 ngày của Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và Ukraine. Ông Putin dùng việc đề nghị đàm phán trực tiếp với Nga không gắn với điều kiện tiên quyết nào để khích lệ ông Trump kiên định tiếp tục những điều chỉnh chính sách đối với Nga và phân rẽ Mỹ với Ukraine, EU. Bước đi này giúp ông Putin giữ được thế chủ động trong quan hệ với Mỹ và trong giải quyết vấn đề cuộc chiến ở Ukraine. Các nước châu Âu không thể phản đối đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhưng lo ngại sẽ sa vào trận chiến ngoại giao không biết đến khi nào mới kết thúc với Nga. Phe này sẽ nhanh chóng đưa ra đề xuất khác để trả lời đề nghị mới nói trên của ông Putin.
Dịch Dung