Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng Anh đang "phạm một sai lầm rất lớn" với chính sách năng lượng của nước này. Ảnh AP
Trên nền tảng Truth Social, ông Trump đã đăng liên kết đến một bài báo về quyết định của Đảng Lao động Anh trong việc tăng thuế đối với các nhà khai thác dầu khí ở Biển Bắc.
Vào tháng 10, Chính phủ Anh thông báo sẽ tăng loại thuế gọi là "thuế lợi nhuận bất thường" đối với các công ty khai thác ở Biển Bắc từ 35% lên 38%.
Đảng Lao động muốn sử dụng nguồn thu từ thuế dầu khí để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Trump nói: “Anh đang phạm một sai lầm rất lớn. Hãy mở lại Biển Bắc. Loại bỏ các cối xay gió!”
Tuyên bố của ông Trump xuất hiện sau thông báo vào tháng 11 của công ty dầu khí Apache (Mỹ) rằng họ sẽ rút khỏi Biển Bắc.
Apache cho biết thuế lợi nhuận bất thường đã khiến các hoạt động của họ tại Anh trở nên "không còn khả thi về mặt kinh tế".
Tuy nhiên, các công ty dầu khí đã dần dần rời khỏi Biển Bắc trong nhiều thập kỷ, do nguồn tài nguyên tại đây ngày càng cạn kiệt.
Sản lượng từ khu vực này đạt đỉnh vào năm 1999 với 4,5 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày, nhưng hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 1,3 triệu thùng.
Chính sách năng lượng của Chính phủ Anh
Chính phủ Anh đang hướng tới mục tiêu khử carbon hệ thống năng lượng vào năm 2030, giảm sử dụng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và thay thế bằng năng lượng tái tạo.
Kế hoạch bao gồm việc tăng cường các dự án tua-bin gió mới để tăng gấp 4 lần năng lượng tạo ra từ các tua-bin gió ngoài khơi trong 5 năm tới.
Trong khi đó, ông Trump cam kết tăng sản lượng dầu khí tại Mỹ khi tái nhiệm Nhà Trắng.
Apache, một công ty đến từ Texas, tuyên bố vào tháng 11 rằng họ sẽ ngừng mọi hoạt động tại các tài sản ở Anh trước tháng 12/2029, "sớm hơn nhiều so với thời gian dự kiến".
Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil đã rút khỏi Biển Bắc vào tháng 7 năm ngoái.
Shell và Equinor cũng thông báo sẽ hợp nhất các tài sản dầu khí ngoài khơi của họ trong khu vực thành một công ty mới.
Bà Zoe Yujnovich, Giám đốc mảng khí đốt tích hợp và khai thác thượng nguồn của Shell, cho biết quyết định này một phần là do Biển Bắc "không còn là khu vực dồi dào như trước đây".
Phản hồi từ Chính phủ Anh
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh tuyên bố: “Ưu tiên của chúng tôi là một quá trình chuyển đổi công bằng, có trật tự và thịnh vượng ở Biển Bắc phù hợp với nghĩa vụ pháp lý và khí hậu, đồng thời chúng tôi sẽ hợp tác với ngành này để bảo vệ việc làm hiện tại và tương lai cho các thế hệ”.
“Chúng ta cần thay thế sự phụ thuộc vào các thị trường nhiên liệu hóa thạch bất ổn bằng năng lượng sạch, tự khai thác trong nước – cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng và tăng cường độc lập năng lượng của chúng ta”, phát ngôn viên nói.
Nh.Thạch
AFP