Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/2 đã ký một chỉ thị nhằm tăng cường áp lực kinh tế lên Iran, thực hiện lời cam kết đảo ngược chế độ thực thi lệnh trừng phạt mà ông cho là lỏng lẻo dưới thời người tiền nhiệm của mình tại Nhà Trắng.
Chỉ thị này yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ áp đặt "áp lực kinh tế tối đa" lên Iran thông qua các lệnh trừng phạt và cơ chế thực thi đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được chỉ đạo thực hiện một chiến dịch nhằm "đưa xuất khẩu dầu của Iran về số 0".
Những điều này nhằm khôi phục lại lập trường cứng rắn hơn đối với Iran mà ông Trump đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA và tìm cách cô lập Tehran về mặt kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày ngày 4/2/2025. Ảnh: CGTN
Khi ký chỉ thị này tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ông Trump cũng cho biết, ông hy vọng Mỹ sẽ không cần phải dùng đến tất cả các biện pháp có sẵn, và bày tỏ mong muốn đàm phán với giới lãnh đạo Iran.
"Hy vọng chúng ta sẽ không phải sử dụng nó nhiều", ông Trump nói và cho biết thêm rằng ông sẽ tìm cách "làm việc để đạt được một thỏa thuận với Iran". "Có thể điều đó khả thi. Có thể không khả thi", ông nói thêm.
Nhà Trắng đang tìm cách cắt đứt xuất khẩu dầu của Iran, mặc dù không rõ chính xác Mỹ nhắm đến mục tiêu đó như thế nào hoặc liệu có khả thi hay không. Hành động này cũng khẳng định lại kế hoạch của chính quyền nhằm cắt đứt mọi con đường mà Tehran có thể có để có được vũ khí hạt nhân.
Ông Trump cho biết, Mỹ có quyền chặn dầu của Iran và cảnh báo rằng Tehran đang tiến gần hơn đến việc phát triển năng lực vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tổng thống Mỹ đương nhiệm chỉ trích người tiền nhiệm của mình vì đã khiến các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran bị né tránh.
Trong 4 năm qua, nhờ việc trốn tránh được lệnh trừng phạt và việc lệnh trừng phạt được thực thi lỏng lẻo hơn, quốc gia Trung Đông này đã tăng xuất khẩu dầu khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, với phần lớn nguồn cung được chuyển đến Trung Quốc, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg và ước tính của các tổ chức thương mại và chính phủ.
Việc cắt đứt doanh thu từ dầu mỏ của Iran sẽ gây thêm thiệt hại cho nền tài chính vốn đã căng thẳng của Tehran. Iran đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện do thiếu đầu tư, đồng tiền mất giá và các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn – những vấn đề có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu doanh thu từ dầu mỏ bị siết chặt hơn.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, một người theo chủ nghĩa cải cách, đã ưu tiên tìm kiếm sự nới lỏng các lệnh trừng phạt và đoàn kết nội bộ khi ông tìm cách ổn định nền kinh tế của đất nước.
Tuần trước, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei dường như đã bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán với chính quyền Trump với hy vọng dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Phó Tổng thống Iran phụ trách các vấn đề chiến lược Mohammad Javad Zarif trước đó đã kêu gọi Mỹ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân.
Minh Đức (Theo Bloomberg, RFE/RL)