Washington D.C. - thủ đô của nước Mỹ - đang trải qua một đợt lạnh kéo dài. Nhưng cử tri theo đảng Dân chủ tại nơi này hứng chịu một “cơn lạnh” khác, không liên quan gì tới thời tiết. Suốt một tháng qua, họ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác bởi Tổng thống Donald Trump cùng “người bạn đầu tiên” Elon Musk.
Sáng 18/2, có một khoảng thời gian ngắn ông Trump không xuất hiện trên trang nhất, bởi các trang tin tức đang chú ý tới vụ tai nạn máy bay ở sân bay quốc tế Toronto Pearson. Tới chiều, trong cuộc họp báo kéo dài 30 phút tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông Trump công bố chi tiết sắc lệnh hành pháp mới nhất liên quan tới mở rộng khả năng tiếp cận thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là sắc lệnh thứ 68 kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1.
Sau đó, ông trả lời loạt câu hỏi từ các phóng viên, với cuộc họp giữa Mỹ và Nga là chủ đề nóng hổi trong ngày. Chính sách thuế quan cũng xuất hiện trong 1-2 câu hỏi, và ông Trump tuyên bố đang cân nhắc áp thuế 25% với hàng nhập khẩu chất bán dẫn, dược phẩm và ôtô.
Không mất quá nhiều thời gian để ông Trump lại trở thành tâm điểm. Tối 18/2, tại Phòng Bầu Dục, cùng với tỷ phú Elon Musk, vị tổng thống đã bảo vệ cách thức tiến hành cuộc cải tổ chính phủ liên bang.
Theo Straits Times, ông Trump có lẽ là người đàn ông 78 tuổi làm việc chăm chỉ nhất nước Mỹ. Những người ủng hộ thường ca ngợi vị tổng thống đã làm nhiều việc trong 4 tuần qua hơn cả người tiền nhiệm làm suốt 4 năm.
Ông Trump áp đặt thuế quan mới với các đối tác thương mại, triển khai sáng kiến đối ngoại gây tranh cãi, trục xuất hàng loạt, đóng băng viện trợ nước ngoài, chấm dứt các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập và thu hồi quyền của người chuyển giới. Các sắc lệnh hành pháp gây ra những thách thức về mặt pháp lý và chính trị, góp phần tạo nên bầu không khí bất ổn.
Vậy sau 30 ngày tại nhiệm, liệu ông Trump đã tiến gần hơn đến lời cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”?
Lời cam kết đã đi tới đâu?
Ngoài các đề xuất chính sách đối ngoại gây sốc như “tiếp quản và tái thiết” Dải Gaza hay đàm phán hòa bình với Nga nhưng phớt lờ Ukraine, chính quyền Trump tham vọng nhất là thu hẹp quy mô chính phủ liên bang.
Mỹ thâm hụt ngân sách kể từ năm 1970, làm tăng thêm nợ quốc gia hàng năm, lên mức 36.000 tỷ USD vào năm 2025. Cả hai đảng đều đồng tình vấn đề này đe dọa với sự ổn định tài chính của nước Mỹ.
Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do ông Musk lãnh đạo đã khởi xướng cắt giảm việc làm trên khắp các cơ quan liên bang. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là viên chức đang thử việc. Hiện có khoảng 75.000 người chấp nhận tự nguyện nghỉ việc và nhận gói trợ cấp thôi việc kéo dài 9 tháng. Con số này chiếm khoảng 5% trong số 2,3 triệu nhân sự liên bang, nhưng mục tiêu là 10%.
Nhà Trắng cũng giải thể một số cơ quan liên bang như Cục Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Chính quyền đang đe dọa đóng cửa Bộ Giáo dục. Ông Trump cam kết để các bang xử lý vấn đề giáo dục và liên túc trích dẫn số liệu rằng Mỹ chi nhiều tiền nhất cho mỗi học sinh, nhưng lại tụt hậu so với các nước phát triển về điểm toán và khoa học.
Theo thông tin mới nhất, DOGE cho đến nay tiết kiệm được 55 tỷ USD tiền thuế. Dù hứa hẹn minh bạch, DOGE chưa cung cấp chi tiết cách thức thực hiện.
Tranh cãi cũng xoay quanh tính hợp pháp của DOGE. DOGE không có thẩm quyền ban hành quy tắc, hủy bỏ quy định, chấm dứt chức vụ của nhân viên liên bang hoặc thực thi luật liên bang. Tuy nhiên, với thẩm quyền hành pháp của tổng thống “chống lưng”, DOGE có ảnh hưởng rất lớn.
Bộ đôi Trump - Musk đã khuấy đảo Washington suốt một tháng qua. Ảnh: Reuters.
Ông Musk không phải nhân viên hay giám đốc của DOGE, theo lời Nhà Trắng trong hồ sơ tòa án hôm 17/2. Thay vào đó, vị tỷ phú là “cố vấn cấp cao của tổng thống" và "không có thẩm quyền chính thức để tự đưa ra quyết định của chính phủ".
Những gì DOGE làm kéo theo hàng chục vụ kiện từ công đoàn và nhóm vận động, với cáo buộc lạm quyền và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của những hành động được thực thi mà không tham khảo ý kiến của Quốc hội.
Song ông Trump và ông Musk cần giải một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng: Ngay cả khi DOGE cắt giảm 10% nhân sự liên bang, họ mới tiết kiệm được khoảng 25 tỷ USD, một phần nhỏ trong chi tiêu liên bang 6.750 tỷ USD vào năm 2024.
Các kinh tế học cho biết cách thực tế nhất để giải quyết thâm hụt ngân sách - khoảng cách giữa số tiền chính phủ kiếm được và chi tiêu - là tăng thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi lớn như An sinh xã hội và Medicare. Ông Trump lắc đầu với cả hai.
Mỹ có đang đi xuống?
Song, việc Mỹ cần điều chỉnh hướng đi là rất cấp bách: Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ chi nhiều tiền hơn cho lãi suất nợ công so với quốc phòng vào năm 2024.
Tại Viện Hoover, điều này làm dấy lên tranh luận muôn thuở: Đây có phải dấu hiệu cảnh báo về sự suy yếu sắp tới của nước Mỹ?
Kể từ năm 1880, Mỹ đóng góp 1/4 GDP toàn cầu dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Thành tích này liệu sẽ kéo dài tới bao giờ? Và liệu ông Trump có khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, hay đang làm tốt?
Theo tiến sĩ John Cochrane, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hoover, nước Mỹ sẽ vượt qua những thách thức hiện tại thời Trump - người đang gây xáo trộn bộ máy chính quyền.
“Đây là cấu trúc đứng vững qua bao thăng trầm, từ chính quyền này sang chính quyền khác, từ đảng này sang đảng khác, từ hệ thống thuế này sang hệ thống thuế khác. Chính sách không phải thứ tạo nên hay dập tắt sức mạnh này” ông nói.
Một thành viên khác tại Viện Hover ví những hành động của chính quyền Trump như màn trình diễn World Wrestling Entertainment (WWE), công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giải trí thể thao.
“Đây là chương trình có sức hút khủng khiếp tại Mỹ. Họ có những nhân vật đa dạng, diện những bộ trang phục ấn tượng, hóa trang lộng lẫy, có biệt danh hoành tráng. Họ chạy quanh sân khấu, giả vờ vật nhau xuống sàn hoặc tung cước vào đầu nhau, và khán giả hoàn toàn bị cuốn theo”, nhà sử học Steve Kotkin nói.
“Chính sách hiện tại cũng như vậy. Một màn trình diễn ngoạn mục thu hút sự chú ý của công chúng, với một nhân vật chính xuất sắc chưa từng có trong lôi kéo ánh mắt của công chúng”, bà nói tới chính quyền Trump.
Thăm dò từ CBS cho thấy sau một tháng nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 53%. Ảnh: Reuters.
Không rõ người Mỹ có đồng ý với đánh giá này không.
Chiến thắng của ông Trump vào tháng 11/2024 đánh dấu lần đầu tiên một ứng viên của đảng Cộng hòa giành được lợi thế phiếu phổ thông từ năm 2004.
Thăm dò từ CBS cho thấy sau một tháng nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 53%. Những khảo sát khác đưa ra con số thấp hơn, thấp hơn ông Joe Biden trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ - không có sự lãnh đạo rõ ràng nào trong tương lai gần sau 3 tháng mất cả Nhà Trắng và lưỡng viện - đã không thể kìm chân ông Trump.
James Carville, chiến lược gia hàng đầu của đảng Dân chủ, đã khuyên đảng “nhắm mắt làm ngơ” và không can thiệp vào các cuộc biểu tình rải rác trên toàn quốc phản đối chính sách của Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử thống đốc vào ngày 4/11 tại bang Virginia có thể là bước ngoặt. Ông Carville dự đoán do ảnh hưởng bởi các chính sách, phần lớn nhân viên liên bang tại tiểu bang và gia đình sẽ bỏ phiếu chống lại ứng viên liên quan tới ông Trump.
Trí Ân