Ngày 23/5, ông Trump đăng tải bài viết trên mạng xã hội Truth Social, cho biết đã nói rõ với CEO Apple Tim Cook về mong muốn “iPhone bán tại Mỹ được sản xuất tại Mỹ, không phải Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác”. “Nếu không, Apple phải trả thuế ít nhất 25% cho Mỹ”.
Phát biểu trước báo chí tại Phòng Bầu dục cùng ngày, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thuế sẽ áp dụng với mọi nhà sản xuất điện thoại bán hàng tại Mỹ.
“Sẽ là Samsung hay bất kỳ ai khác sản xuất sản phẩm đó. Nếu không sẽ không công bằng”, ông nói.
Trong chuyến thăm Trung Đông tuần trước, ông Trump cũng bày tỏ không hài lòng với Tim Cook vì sản xuất iPhone tại các nhà máy mới xây ở Ấn Độ.
Những năm qua, Apple nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Một số hoạt động sản xuất iPhone chuyển sang Ấn Độ. Hồi đầu tháng, CEO Apple cho biết phần lớn iPhone bán tại Mỹ sẽ có xuất xứ Ấn Độ. Ngoài ra, ông dự đoán phát sinh tối đa 900 triệu USD chi phí trong quý II liên quan đến thuế.
Tổng thống Donald Trump dọa đánh thuế với tất cả điện thoại bán tại Mỹ sản xuất ở nước ngoài. Ảnh: Money and Banking Journal
Trong khi 90% iPhone sản xuất tại Trung Quốc, Samsung không dựa vào nước này để sản xuất smartphone. Nhà máy cuối cùng của hãng điện tử Hàn Quốc tại đây đóng cửa năm 2019. Nguồn tin nội bộ tiết lộ hầu hết điện thoại Samsung lắp ráp tại Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Ông Trump đã gặp người đứng đầu Apple tại Riyadh (Ả-rập Xê-út) vào đầu chuyến công tác tuần trước. Hôm 20/5, hai người gặp nhau lần nữa tại Nhà Trắng, theo CNN. Không rõ nội dung cuộc gặp là gì.
Ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Apple với tuyên bố sốc về thuế iPhoneTổng thống Donald Trump cho rằng Apple phải đóng thuế tối thiểu 25% đối với iPhone sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Trả lời phỏng vấn Fox News hôm 23/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Tổng thống Trump đang cố gắng “đưa hoạt động sản xuất quay lại Mỹ”. Ông cũng chỉ ra một trong số những lỗ hổng lớn nhất là sản xuất, đặc biệt là bán dẫn, bên ngoài nước Mỹ và muốn Apple giúp bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn.
Một số chip của Apple đang được sản xuất ở quê nhà nhờ hợp tác với TSMC.
iPhone made in USA: Giấc mơ cổ tích
Apple nắm trong tay kho tiền mặt khổng lồ và mang về lợi nhuận nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong lịch sử. Song, từ lâu, “táo khuyết” khẳng định không thể sản xuất iPhone tại Mỹ.
Apple đã đầu tư hàng tỷ USD vào đào tạo những kỹ sư lành nghề khắp thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu kỹ sư lành nghề nhiều hơn hẳn Mỹ, trong khi mức lương lại thấp hơn đáng kể.
Steve Jobs, cố CEO Apple, từng đưa ra vấn đề này trong cuộc gặp tháng 10/2010 với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông nhắc đến hệ thống giáo dục thiếu đột phá của Mỹ là một chướng ngại vật với Apple – khi đó cần 30.000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ các công nhân nhà máy.
“Ông không thể tìm được nhiều người như thế ở Mỹ”, ông nói với Obama. “Nếu đào tạo được, chúng ta có thể chuyển nhiều nhà máy về đây hơn”.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2012, Tim Cook đồng tình với quan điểm của người tiền nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng iPhone sản xuất tại Mỹ là ý tưởng hư cấu. Theo Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu công nghệ toàn cầu hãng tài chính Wedbush, iPhone sản xuất ở Mỹ sẽ có giá khoảng 3.500 USD, đắt gấp 3 lần hiện tại vì cần tái hiện hệ sinh thái sản xuất vô cùng phức tạp tại châu Á. Chưa kể, Aple cần khoảng 30 tỷ USD và 3 năm chỉ để chuyển 10% chuỗi cung ứng sang Mỹ.
Ông Trump 'mượn' Jensen Huang để châm chọc Tim Cook‘Cảm ơn ông rất nhiều, Jensen. Ý tôi là, Tim Cook không ở đây, nhưng ông thì có’, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện ngày 13/5 tại Ả-rập Xê-út.
Ives nhắc lại lập trường của mình sau phát biểu của ông Trump hôm 23/5: “Ý tưởng Apple sản xuất iPhone tại Mỹ là câu chuyện thần tiên không khả thi”. Ông ước tính đưa toàn bộ hoạt động sản xuất iPhone về nước sẽ mất từ 5 đến 10 năm.
Đánh thuế 25% với sản phẩm Apple sẽ dẫn đến giá iPhone tăng. Tin đồn cho thấy công ty đang cân nhắc tăng giá iPhone ngay trong năm nay.
Gene Munster, Giám đốc tại hãng quản lý tài sản Deepwater, nhận xét sẽ rất khó cho Apple nếu đối mặt với thuế quan 30% hoặc cao hơn. Trong khi đó, nhà phân tích Ming Chi Kuo nhận xét, nhìn từ góc độ lợi nhuận, Apple thà chịu thuế 25% còn hơn chuyển dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ.
Để xoa dịu chính quyền Mỹ, Apple đã thông báo đầu tư 500 tỷ USD để mở rộng năng lực các nhà máy tại Mỹ. Công ty sẽ xây nhà máy mới để sản xuất máy chủ - trước đây sản xuất ở nước ngoài – tại Houston, tăng cường công suất trung tâm dữ liệu tại một số bang, sản xuất các chương trình Apple TV+...
(Theo CNN, CNBC, X)
Du Lam