Ông Trump đổi khác

Ông Trump đổi khác
4 giờ trướcBài gốc
Ông Donald Trump ngồi giữa chiếc bàn hình chữ U, xung quanh là các đồng minh theo chủ nghĩa cực hữu. Hôm đó cách lễ nhậm chức tổng thống Mỹ khoảng 10 ngày, và ông Trump đang tiếp đón vài chục thành viên của nhóm House Freedom Caucus cực kỳ bảo thủ trong phòng khiêu vũ của Mar-a-Lago và giải thích về cách ông nhìn nhận thời điểm nắm quyền sắp tới.
Theo 2 nguồn tin có mặt trong phòng, vị tổng thống Mỹ thứ 45 (và sắp tới là thứ 47) nhận định đảng Dân chủ đang bị tổn hại, mất tinh thần và hỗn độn. Trong khi thừa nhận “đôi khi con vật bị thương lại nguy hiểm nhất”, ông ra hiệu mình muốn khai thác điểm yếu của họ. Và hiện tại chính là thời điểm phải hành động mạnh mẽ.
Đó có thể là “một dự luật lớn, đẹp” để thông qua chương trình nghị sự lập pháp trị giá hàng nghìn tỷ USD, khát khao chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, giấc mộng đạt Nobel Hòa bình trong nhiệm kỳ đầu tiên, mua lại thành công Greenland, kiểm soát Kênh đào Panama hay “sáp nhập” Canada, hoặc ký các sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức “cho đến khi gãy tay”. Dù đó là gì, ông Trump mong muốn bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 bằng một màn phô diễn quyền lực, New York Times nhận định.
Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump biết mình phải hành động nhanh chóng. Sau bầu cử giữa kỳ vào năm 2026, khi sự chú ý chuyển sang người kế nhiệm, ông Trump sẽ khó giành được sức ảnh hưởng với đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ và các tập đoàn như hiện tại.
“Chúng tôi từng nắm cách biệt 40 ghế tại Hạ viện vào năm 2017, nhưng vẫn gặp khó khăn để hoàn thành các mục tiêu lớn”, Kellyanne Conway - quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump và là cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu - nhận định. “Lần này, dù đa số mong hơn, trách nhiệm lại lớn hơn. Tổng thống Trump hiểu cần hành động nhanh chóng và dứt khoát”.
Cố vấn cấp cao của chính mình
Khoảng 10 người thân tín với ông Trump đều nhận định tổng thống đắc cử hiện có quan điểm về quyền lực rất khác so với thời điểm trước lễ nhậm chức năm 2017. Khi đó, ông ở trong thế phòng thủ, bởi làn sóng phản đối ông Trump lên nắm quyền rất cao sau chiến thắng bất ngờ năm 2016. Do đó, ông tôn trọng lời khuyên của các bậc lão làng, lắng nghe lời khuyên nên lựa chọn ai và ưu tiên điều gì. Hiện tại, ông tự nhìn nhận tình hình, và chính bản thân ông là cố vấn tốt nhất.
Ông Trump tuyên bố muốn ký khoảng 100 sắc lệnh hành pháp ngay từ ngày đầu tiên, như bắt đầu “chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ” bằng cách truy quét người nhập cư không giấy tờ có tiền án đầu tiên. Các trợ lý tiết lộ tổng thống đắc cử sẽ sớm thăm những khu vực bị tàn phá bởi cháy rừng ở Nam California và những địa điểm bị bão Helene san phẳng ở North Carolina vào năm 2024.
Theo cách ông Trump nhìn nhận, mối quan tâm lớn nhất khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai không phải đảng Dân chủ. Ông lo lắng nhiều hơn về chính đảng của mình. Tại Quốc hội, đảng Cộng hòa chiếm đa số quá sít sao, nên chỉ một số ít thành viên không đồng thuận cũng có thể phá nát cơ hội thực hiện những lời cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử.
Trong cuộc họp với nhóm House Freedom Caucus hôm 10/1, ông Trump khẳng định “chúng ta phải đoàn kết”, đồng thời than thở đảng Dân chủ dường như đoàn kết hơn nhiều so với đảng Cộng hòa.
Ông Trump tuyên bố muốn ký khoảng 100 sắc lệnh hành pháp ngay từ ngày đầu tiên. Ảnh: Reuters.
Một mối lo ngại khác đang đè nặng lên ông Trump là cuộc đối đầu căng thẳng sắp tới tại Quốc hội về trần nợ. Tổng thống đắc cử tin rằng nếu Mỹ vỡ nợ, tình hình sẽ giống “năm 1929”, ám chỉ một cuộc đại suy thoái khác. Ông Trump đã gây áp lực buộc đảng Cộng hòa giải quyết vấn đề trần nợ trước khi ông chính thức nắm quyền để tránh đối mặt với rủi ro này trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên đảng Cộng hòa chưa thể thực hiện điều này.
Các cố vấn của ông Trump hiểu rõ đảng Cộng hòa tại Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện, đang chia rẽ. Tổng thống đắc cử cũng không hoàn toàn còn nắm trong tay sức ảnh hưởng tại Thượng viện, khi 2 thượng nghị sĩ nổi tiếng là Tom Cotton và Pete Ricketts bất đồng quan điểm với ông về lệnh cấm TikTok. Những lời đe dọa của ông Trump đôi khi hiệu quả, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Tận dụng tối đa đỉnh cao quyền lực
Tuy nhiên, ông Trump hiểu mình chưa bao giờ nắm trong tay nhiều quyền lực như hiện tại. Do đó, tổng thống đắc cử có ý định tận dụng tối đa quyền lực này.
Ông đã trò chuyện với các CEO lớn, yêu cầu họ hỗ trợ. Và họ đã làm vậy, thậm chí có người còn hành động cả khi không được nhờ. Tổng thống đắc cử đã tiếp đón hàng loạt tỷ phú công nghệ từng bất đồng với ông trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong đó có Bill Gates, Mark Zuckerberg và Jeff Bezos - tất cả đều bày tỏ sự tôn trọng hoặc khen ngợi ông Trump.
“Ai cũng muốn làm bạn với tôi”, ông Trump từng chia sẻ.
Ông Trump cũng ám ảnh với cách áp dụng đòn bẩy quyền lực trên toàn cầu. Ví dụ với Iran, ông Trump cho rằng nước này đang suy yếu sau khi Israel đã phá hủy hệ thống phòng không của Tehran và tiêu diệt lực lượng đồng minh Hezbollah. Ông nhìn nhận Iran đang dễ bị tổn thương và có thể đã đến lúc buộc giới lãnh đạo nước này nhượng bộ.
Ông Trump đang ở tâm thế khác với nhiều ảnh hưởng quyền lực hơn nhiều so với thời điểm trước khi nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Reuters.
Lần này, tổng thống đắc cử đã chiến thắng cả số phiếu phổ thông, một điều ông không làm được trong năm 2016. Và dù một nửa cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho ông Trump, tổng thống đắc cử tin rằng chiến thắng lần này tương đương với “một nhiệm vụ mạnh mẽ chưa từng có”.
Sự ủng hộ của công chúng với ông Trump sẽ nhanh chóng được phơi bày. Một thăm dò gần đây của Wall Street Journal cho thấy trong khi công chúng đồng tình với nhiều mục tiêu lớn của ông Trump, hầu hết không thoải mái với các đề xuất cực đoan.
Ví dụ, hầu hết người Mỹ thích ý tưởng trục xuất người nhập cư có tiền án, song không thích việc đột kích vào nhà hay nơi làm việc của những cá nhân này. Hay trong kế hoạch ân xá người bị kết án trong vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021, khảo sát của Đại học Monmouth cho thấy chỉ 34% chấp thuận, trong khi 61% không đồng ý.
Những người từng làm việc với ông Trump trong chính quyền đầu tiên lưu ý những lúc tổng thống đắc cử "tự làm hại mình" thường là khi ông tràn đầy tự tin. Tuy nhiên, ông có lý do để tin rằng lần này mình sẽ đối mặt với ít trở ngại hơn. Tổng thống đắc cử tuyên bố ông không muốn có những thân tín sẽ tiết lộ chuyện hậu trường hoặc viết sách về mọi chuyện. Các trợ lý đã thẩm vấn những ứng viên ngồi trong nội các về quan điểm của họ trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 và tuyên bố ông Trump “thắng cử” vào năm 2020.
Tổng thống đắc cử cũng nhận xét giới truyền thông đã tử tế hơn sau khi ông đắc cử, đồng thời đồng ý trả lời phỏng vấn các bên mà ông từng gọi là “tin giả”, như CNN hay NBC. Tuy nhiên, ông đe dọa kiện tụng nhiều phóng viên và cơ quan truyền thông và từng ám chỉ muốn tước giấy phép truyền hình của một số đài truyền hình.
Trong nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump cho rằng mình có thể thay đổi Washington, kể cả về mặt hình ảnh như thiết kế lại Nhà Trằng. Ông thích ý tưởng biến một căn phòng gần phòng ăn của Phòng Bầu dục thành nơi tụ tập bạn bè. Elon Musk - người nhiều lần hỏi liệu có được ngồi đâu đó trong văn phòng ở Cánh Tây không - khả năng cao sẽ hiện diện tại căn phòng này nếu ông Trump thực hiện ý tưởng đó.
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/ong-trump-doi-khac-post1526158.html