Ông Trump đổi tên Vịnh Mexico dựa trên cơ sở nào, có ai hưởng ứng?

Ông Trump đổi tên Vịnh Mexico dựa trên cơ sở nào, có ai hưởng ứng?
5 giờ trướcBài gốc
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ đã được thực hiện. Ảnh: AFP.
Động thái này có thể gây đau đầu cho Google, khi công ty này đã tuyên bố sẽ áp dụng tên gọi mới theo quyết định của ông Trump trên nền tảng của mình. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Mexico.
Liệu ông Trump có thể đơn phương đổi tên vùng nước này không? Câu trả lời là có, nhưng chỉ trong phạm vi nước Mỹ.
Mỹ có thể đổi tên một vùng nước không?
Xét ở một khía cạnh nào đó, các quốc gia có thể đặt tên các khu vực địa lý theo ý mình trong phạm vi lãnh thổ, theo ông Ian Hurd, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, chuyên nghiên cứu về luật quốc tế.
"Các quốc gia có thể tùy ý đặt hoặc đổi tên địa danh trong phạm vi lãnh thổ của họ, và việc đổi tên cũng khá phổ biến, đặc biệt khi một chính phủ mới muốn tạo sự khác biệt so với các chính quyền tiền nhiệm", ông Hurd chia sẻ.
Ông lấy ví dụ về việc chính phủ Ấn Độ đổi tên nhiều thành phố để nhấn mạnh quá trình phi thực dân hóa hoặc củng cố chủ nghĩa dân tộc Hindu. Tại Nga, nhiều địa danh cũng đã thay đổi trong suốt thế kỷ 20.
Tuy nhiên, ở phạm vi quốc tế, "không có một cơ quan chính thức nào quyết định một địa danh phải được gọi là gì", ông Hurd nói.
Khi tên của một địa điểm bị tranh chấp, Google Maps thường hiển thị cả hai tên cho người dùng bên ngoài các quốc gia liên quan. Ảnh: Google Maps.
Có một nhóm tư vấn thuộc Liên hợp quốc mang tên Nhóm Chuyên gia về Địa danh, chuyên khuyến khích sự phối hợp và tiêu chuẩn hóa tên gọi trên bản đồ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, các nước không bắt buộc phải tuân theo khuyến nghị của nhóm này.
Dù cho một quốc gia có thể tự quyết định tên gọi trong phạm vi lãnh thổ của mình, điều đó không có nghĩa là họ có quyền đổi tên một vùng nước quốc tế, theo ông Matthew Zierler, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang Michigan, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và luật quốc tế.
"Việc đổi tên ngọn núi Denali thành McKinley nằm trong thẩm quyền của Mỹ, nhưng Vịnh Mexico lại là một vấn đề hoàn toàn khác", ông Zierler nói. "Trên trường quốc tế, từ lâu đã có nhiều tranh cãi giữa các quốc gia về cách gọi tên các vùng nước, hòn đảo...".
"Tên gọi phản ánh văn hóa, lịch sử và bản sắc, nên những bất đồng giữa các quốc gia về tên địa danh là có thật", ông nói. "Nhưng cốt lõi của vấn đề này là chính trị chứ không phải pháp lý".
Ý nghĩa của việc đổi tên đối với Google
Sau sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc đổi tên vịnh, Google đã đồng ý triển khai thay đổi này. Trong một bài đăng trên X, Google cho biết họ sẽ bắt đầu cập nhật tên mới cho người dùng tại Mỹ khi tên này được chính thức nhập vào Hệ thống Thông tin Địa danh của Mỹ, khiến Tổng thống Mexico phải gửi thư phản đối công ty này.
"Chúng tôi có một nguyên tắc lâu dài là cập nhật tên địa danh khi chúng được thay đổi trong các nguồn chính thức của chính phủ", Google viết trên X.
Gã khổng lồ công nghệ cũng nhấn mạnh rằng, "khi các quốc gia có tên gọi chính thức khác nhau, người dùng Google Maps sẽ thấy tên gọi theo quốc gia của họ, còn phần còn lại của thế giới sẽ thấy cả hai tên".
Mặc dù quyết định đổi tên xuất phát từ sắc lệnh hành pháp của ông Trump, Google không có nghĩa vụ pháp lý phải tuân theo, và cũng không có bất kỳ tổ chức tư nhân nào bị ràng buộc bởi điều này, theo ông Mark Lemley, giáo sư luật tại Đại học Stanford.
"Và thực tế là nếu họ bị buộc phải tuân theo, họ sẽ rơi vào tình thế khó khăn vì các quốc gia khác lại có tên gọi chính thức khác nhau", ông Lemley nói.
Vịnh Mỹ được ghi trên bản đồ của Google, trong khi bản đồ của Apple vẫn ghi Vịnh Mexico.
Vì Google không bị bắt buộc phải tuân theo sắc lệnh đổi tên của ông Trump, quyết định làm như vậy thực chất mang tính chính trị, theo các chuyên gia.
"Google và các nhà làm bản đồ khác không tập trung vào luật pháp. Họ muốn duy trì hoạt động kinh doanh và thường sẽ đi theo định hướng của các quốc gia nơi họ hoạt động", ông Zierler nói.
Mặc dù điều này có thể gây khó hiểu với một số người, ông nói thêm, "Tôi nghĩ rằng phần lớn mọi người đều hiểu rằng tên gọi chỉ mang tính biểu tượng". Từ góc độ lịch sử, quyết định của Google trong việc chấp nhận tên mới mà ông Trump đề xuất không phải là điều chưa từng có tiền lệ.
Hệ quả đối với Mỹ và quan hệ với Mexico
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng quyết định đổi tên Vịnh Mexico của ông Trump nói lên rất nhiều điều về cách mà ông – và cả nước Mỹ – muốn được thế giới nhìn nhận.
"Hầu hết các thay đổi tên gọi đều xuất phát từ những cuộc chiến văn hóa-chính trị", ông Ian Hurd nói. "Các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc thường thể hiện quyền lực của mình bằng cách đặt những cái tên mang tính ý thức hệ cho các địa danh. Có vẻ như đây chính là động cơ thúc đẩy ông Trump gọi vùng vịnh này là 'Vịnh Mỹ'".
Và điều đó có thể gửi đi một thông điệp ngoài ý muốn, ông Hurd nói thêm.
"Việc đổi tên thường phản ánh sự yếu thế của một nhà lãnh đạo hơn là sức mạnh", ông nhận định. "Nó bộc lộ những bất an của họ về vị thế của mình trên thế giới".
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum muốn Vịnh Mexico giữ lại cái tên đã tồn tại hàng thế kỷ. Ảnh: Bloomberg.
Bên cạnh đó, sắc lệnh của ông Trump không mang lại tín hiệu tích cực cho quan hệ Mỹ-Mexico hiện tại cũng như tương lai, theo ông Matthew Zierler.
"Khả năng điều này trở thành một tranh chấp lớn giữa Mỹ và Mexico là có thực", ông Zierler nói.
Tuy nhiên, theo ông, "việc đổi tên chỉ là vấn đề thứ yếu so với những căng thẳng khác mà Tổng thống Mỹ đang có với Mexico về nhập cư và thương mại".
Mexico, cũng như nhiều quốc gia khác, lo ngại về chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và việc bị ép buộc, ông Zierler cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Tranh cãi về tên gọi này chính là một biểu hiện của điều đó".
Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum, không hề hài lòng với sắc lệnh đổi tên Vịnh Mexico của ông Trump, cũng như quyết định của Google trong việc chấp nhận thay đổi này. Trong một bức thư gửi Google vào ngày 30/1, bà Sheinbaum đã kêu gọi công ty này xem xét lại việc thay đổi tên gọi vùng nước đã tồn tại suốt 400 năm trên bản đồ.
Mexico khẳng định Mỹ không có quyền hợp pháp để đổi tên vùng vịnh – nơi tiếp giáp giữa Mỹ, Mexico và Cuba – vì theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, lãnh thổ của một quốc gia chỉ mở rộng tối đa 12 hải lý tính từ bờ biển, Reuters đưa tin.
Thu Quyên
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/ong-trump-doi-ten-vinh-mexico-dua-tren-co-so-nao-co-ai-huong-ung-post182717.html