Ông Trump khiến người nước ngoài ngại đi công tác Mỹ

Ông Trump khiến người nước ngoài ngại đi công tác Mỹ
12 giờ trướcBài gốc
Một nhân viên Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ kiểm tra hộ chiếu của hành khách. Ảnh: CBP.
Khi Alexander, nhà khoa học châu Á tại một trường đại học hàng đầu ở Mỹ, đi công tác Brazil, luật sư tư vấn ông mang theo một chiếc điện thoại “cục gạch” và laptop không có dữ liệu. Sau khi hoàn thành công việc, ông tải hết dữ liệu lên bộ lưu trữ đám mây và xóa chúng khỏi máy trước khi quay về Mỹ.
“Tôi được khuyên không lưu dữ liệu trong các thiết bị của mình”, Alexander nói với Financial Times.
Các quy định về nhập cảnh Mỹ đang được thực thi quyết liệt hơn, đặc biệt trong khám xét ở biên giới - khi cơ quan chức năng có quyền kiểm tra và sao chép dữ liệu từ các thiết bị của hành khách. Do đó, nhiều tổ chức phải đánh giá lại những nguy cơ đến từ việc đi công tác.
Thông tin trong danh bạ, email, tin nhắn và các bài đăng mạng xã hội đều có thể bị kiểm tra, các luật sư cho biết.
“Tôi không phải công dân Mỹ mà là người nhập cư. Tôi làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Tại Brazil - quốc gia có chính phủ cánh tả - tôi gặp các nghiệp đoàn lao động và giới học giả. Tất cả những điều này có thể bị sử dụng để chống lại bạn”, Alexander nói.
Tăng cường theo dõi
Vấn đề bắt đầu từ một sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngay sau khi nhậm chức hôm 20/1, theo đó quá trình kiểm tra, sàng lọc người nước ngoài muốn nhập cảnh Mỹ sẽ được tăng cường. Sắc lệnh cũng là cơ sở để giới chức Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế nhập cảnh và đánh giá lại visa đã được cáp.
Số vụ khám xét ở biên giới từ tháng 1 tới giữa tháng 5 năm nay đã vượt qua tổng số vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2024, theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP).
“Số liệu khám xét của CBP tương đồng với xu hướng tăng từ năm 2021. Tỷ lệ người bị khám xét thiết bị là dưới 0,01%” bà Hilton Beckham, người phát ngôn CBP, tuyên bố. “Các tuyên bố cho rằng CBP đang tăng cường kiểm tra thiết bị và ứng dụng điện tử do thay đổi chính quyền là điều sai lệch”.
Bà Beckham cũng tuyên bố các vụ khám xét có ý nghĩa thiết yếu với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như phủ nhận yếu tố ý thức hệ ảnh hưởng tới việc khám xét.
Do sự bị chính quyền Trump trả đũa, trường đại học của Alexander khuyên anh không rời khỏi Mỹ và tuyên bố sẽ không hỗ trợ pháp lý nếu anh gặp vấn đề ở biên giới. Trong khi đó, cố vấn pháp lý riêng cảnh báo Alexander rằng các nhân viên biên phòng có tư duy: “Hãy tìm cho tôi một người, tôi sẽ tìm ra tội của người đó”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn siết chặt các quy định về nhập cảnh. Trong ảnh, ông Trump thăm biên giới giữa Mỹ và Mexico năm 2020. Ảnh: Reuters.
Một số đại học danh giá tại Mỹ như Duke hay Columbia đã khuyến cáo nhân viên và sinh viên người nước ngoài không rời Mỹ trừ khi có việc cần thiết. Các khuyến nghị được đưa ra sau hàng loạt vụ bắt giữ và trục xuất, kể cả nhằm vào những người có visa hay thẻ xanh.
Ủy ban châu Âu (EC) đã phát điện thoại “cục gạch” và các máy tính rẻ tiền cho nhân viên tại Mỹ để tránh nguy cơ bị theo dõi. Hồi tháng 4, các quan chức cấp cao châu Âu đã nhận được hướng dẫn mới khi tham dự các hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại Mỹ.
Sau sắc lệnh hành pháp của ông Trump hôm 20/1, chính phủ Anh và Đức đã cập nhật hướng dân đi lại cho công dân tới Mỹ với ngôn ngữ mạnh mẽ hơn, cảnh báo họ có thể bị giữ lại do ngay cả những vấn đề nhỏ.
“Giới chức Mỹ sẽ thi hành nghiêm khắc quy định về nhập cảnh. Bạn có thể bị bắt hoặc giam giữ nếu vi phạm các quy định”, chính phủ Anh khuyến cáo.
Một luật sư làm việc cho một công ty Anh cho biết các quy định trên vẫn luôn tồn tại nhưng giờ đây được áp dụng chặt chẽ hơn.
“Xác suất gặp vấn đề dù sao vẫn rất thấp”, luật sư trên nói. “Đối với các công ty bình thường, trọng tâm chú ý là các thiết bị điện tử. Giới chức liên bang từ lâu đã có quyền giữ, khám xét và sao chép các thông tin trong thiết bị”.
Chính sách mới của giới doanh nghiệp
Nhiều cũng ty cũng đã cập nhật tư vấn pháp lý cho các nhân viên tới Mỹ công tác. Số khác thay đổi lịch trình hoặc thậm chí khuyên người lao động không tới Mỹ.
Bà Elizabeth Nanton, chuyên gia về luật nhập cư tại chi nhánh KPMG Law tại Canada, chỉ ra dù đại đa số hành khác sẽ không gặp vấn đề, nhiều công ty đã chuẩn bị về khả năng nhân viên bị xét hỏi hoặc khám xét thiết bị điện tử. Một số khách hàng của bà đang sửa đổi chính sách để kiểm soát chặt chẽ hơn các dữ liệu trong máy của nhân viên.
Một số công ty khác cập nhật hướng dẫn dành cho các nhân viên tới Mỹ công tác dù thừa nhận rằng động thái này có thể thu hút sự chú ý không mong muốn từ chính quyền Trump.
Một nhà đầu tư tại Anh cho biết các nhân viên công ty ông được khuyến nghị cần “cẩn trọng đáng kể” khi mang điện thoại cá nhân tới Mỹ. Trong khi đó, một số công ty khuyên nhân viên mang theo thêm các giấy từ tùy thân như chứng nhận kết hôn, hợp đồng thuê nhà tại Mỹ hoặc bảng lương.
Dòng người xếp hàng chờ kiểm tra tại một sân bay Mỹ. Ảnh: CPR News.
Lãnh đạo một công ty dược phẩm tại New York cho biết một số công ty lớn không còn gửi nhân viên tới Mỹ - nhất là những nhóm người nhiều khả năng bị kiểm tra như “người da màu, người Hồi giáo hay người Trung Quốc”.
Ngành hàng không đang dần cảm nhận được tác động của xu hướng trên. Các hãng hàng không lớn như Air France-KLM và Lufthansa đã ghi nhận nhu cầu bay giữa hai bờ Đại Tây Dương sụt giảm. Dù một phần nguyên nhân là triển vọng kinh tế xấu đi, các công ty cũng lo ngại về những vấn đề khi nhập cảnh.
“Nhiều hãng hàng không nói với tôi rằng họ đánh giá triển vọng đặt vé đi công tác sẽ giảm nhẹ, bao gồm nội địa Mỹ, trong châu Âu và cả hai chiều giữa châu Âu và Mỹ”, ông Henry Harteveldt, nhà phân tích thị trường du lịch, nói.
Về phần mình, Alexander đã nghĩ đến việc phải chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo tới Anh. “Tôi sẽ phải làm lại y hệt những việc đó”, ông phàn nàn.
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/ong-trump-khien-nguoi-nuoc-ngoai-ngai-di-cong-tac-my-post1554518.html