Ưu tiên thương mại thay vì chiến lược địa chính trị
Chuyến công du 3 quốc gia vùng Vịnh từ thứ Hai tuần này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục tiêu được xác định rõ ràng là thúc đẩy các thỏa thuận kinh doanh và kêu gọi đầu tư từ khu vực Trung Đông giàu tài nguyên dầu khí.
Khác với các tổng thống Mỹ thường chọn các đồng minh phương Tây làm điểm dừng chân đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Trump tiếp tục thể hiện sự ưu ái với khu vực Trung Đông. Giống như năm 2017, khi ông Trump chọn Ả Rập Saudi làm chặng dừng chân đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, chuyến công du các nước vùng Vịnh lần này nhằm tái khẳng định tầm nhìn về một Trung Đông thịnh vượng, ổn định và giàu tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: “Tổng thống Donald Trump trở lại khu vực để tái khẳng định tầm nhìn về một Trung Đông thịnh vượng và thành công, nơi chủ nghĩa cực đoan bị thay thế bằng thương mại và giao lưu văn hóa”. Đáng chú ý, ông Trump không có kế hoạch thăm Israel trong chuyến công du Trung Đông lần này.
Sẽ có hàng loạt tuyên bố lớn
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có rất nhiều tuyên bố được công bố, trên nhiều lĩnh vực khác nhau,” bà Monica Malik, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Abu Dhabi Commercial Bank (ADCB), nói với đài CNBC. Một trong những nội dung đáng chú ý là khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu 10% đối với thép và nhôm – một động thái có lợi cho các nước vùng Vịnh dù tỷ trọng hai mặt hàng này không lớn trong GDP khu vực.
Cùng thời điểm ông Trump có mặt tại Riyadh, một diễn đàn đầu tư lớn giữa Mỹ và Ả Rập Saudi sẽ diễn ra với sự tham dự của các giám đốc điều hành hàng đầu như Larry Fink (BlackRock), Alex Karp (Palantir), cùng lãnh đạo của Citigroup, IBM, Qualcomm, Alphabet, Franklin Templeton và Đặc phái viên Nhà Trắng về AI và tiền số, ông David Sacks.
“Chúng tôi cũng hi vọng sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận đầu tư mới được công bố theo cả hai chiều. UAE gần đây đã công bố hàng loạt khoản đầu tư vào Mỹ trong các lĩnh vực như AI, năng lượng, nhôm… nhưng cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ tăng hiện diện tại khu vực” - bà Malik cho biết.
Ả Rập Saudi và UAE đang đổ tiền vào hạ tầng AI với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Hồi tháng 3 vừa qua UAE công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD trong 10 năm, tập trung vào AI, chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng. Theo Đại sứ quán UAE tại Washington, khoản đầu tư hiện có của nước này vào Mỹ đã lên đến 1.000 tỷ USD. Mặc dù vậy, cả Ả Rập Saudi và UAE vẫn bị giới hạn tiếp cận chip AI tiên tiến do lo ngại về an ninh quốc gia từ phía Washington.
Ả Rập Saudi và UAE đang đổ tiền vào hạ tầng AI với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu. Ảnh: Arabianbusiness.com
Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi. Chính quyền Tổng thống Trump hôm 8/5 vừa qua đã tuyên bố sẽ hủy bỏ quy định “kiểm soát lan tỏa AI” từ thời cựu Tổng thống Joe Biden – vốn hạn chế xuất khẩu chip AI cao cấp sang cả các quốc gia đồng minh. Theo Bộ Thương mại Mỹ, một quy định “đơn giản hơn, thúc đẩy đổi mới và đảm bảo vị thế dẫn đầu AI của Mỹ” sẽ được thay thế.
Năng lượng hạt nhân và đàm phán hạt nhân với Tehran
Một chủ đề quan trọng khác nhiều khả năng sẽ được đề cập là chương trình hạt nhân của Iran. Chính quyền Trump đang nối lại đối thoại hạt nhân với Iran - điều từng vấp phải phản đối gay gắt từ các nước Ả Rập dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Nhưng hiện tại, cả UAE và Ả Rập Saudi đều ủng hộ đàm phán.
Tổng thống Trump mới đây cũng thông báo rằng quân đội Mỹ sẽ ngừng các cuộc không kích vào nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen - lực lượng đã liên tục tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ kể từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel - để đổi lấy cam kết bảo vệ các tàu Mỹ.
“Tôi nghĩ vấn đề cấp bách và quan trọng nhất chính là chương trình vũ khí hạt nhân của Iran,” ông Michael O’Hanlon – Giám đốc nghiên cứu tại Chương trình Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Brookings – nhận định. “Các quốc gia vùng Vịnh này có mối quan tâm lớn và có thể đưa ra các ưu đãi để Iran ký kết một thỏa thuận mà ông Trump mong muốn – nhưng cần có chất xúc tác như cam kết đầu tư”.
Ngoài ra, Riyadh còn muốn Washington hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân dân sự của mình. Trước đây, bất kỳ sự hỗ trợ nào của Mỹ đều đi kèm điều kiện Ả Rập Saudi phải bình thường hóa quan hệ với Israel – nhưng theo một số nguồn tin, điều kiện này có thể sẽ thay đổi trong chuyến thăm lần này.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright hồi tháng 4 từng tiết lộ, hai nước “đang trên đường” đi đến một thỏa thuận hạt nhân dân sự, song các thông báo chính thức sẽ do ông Trump công bố.
Nguyễn Phương