Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội ngày 19/5, ông Donald Trump tuyên bố các ứng viên tranh cử không được phép “trả tiền để mua sự ủng hộ”, và ám chỉ rằng bà Harris đã vi phạm luật bằng cách chi trả cho các nghệ sĩ nổi tiếng dưới danh nghĩa “giải trí”.
Dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, ông Trump vẫn chỉ đích danh những ngôi sao từng đồng hành cùng chiến dịch tranh cử của bà Harris năm 2024 như Oprah Winfrey, Bruce Springsteen và Beyoncé - những gương mặt đình đám từng xuất hiện tại các sự kiện vận động lớn của bà.
Theo hồ sơ tài chính chiến dịch, công ty Harpo Productions của Oprah Winfrey đã nhận 1 triệu USD từ chiến dịch của Harris cho “dịch vụ sản xuất sự kiện” vào ngày 15/10/2024 - khoảng một tháng sau khi Oprah phỏng vấn bà Harris tại sự kiện "Unite for America" ở Detroit.
Trong video phản hồi đăng trên mạng xã hội, Oprah khẳng định: “Tôi không nhận bất kỳ khoản thù lao cá nhân nào. Tuy nhiên, ekip sản xuất chương trình cần được trả công, và họ đã được trả. Vậy thôi”.
Cựu Phó tổng thống Kamala Harris (trái) và người dẫn chương trình truyền hình Mỹ Oprah Winfrey tại buổi vận động trực tiếp "Unite for America", Farmington Hills, Michigan, ngày 19/9/2024.
Tương tự, công ty Parkwood Production Media LLC của Beyoncé cũng bị cáo buộc nhận 165.000 USD vào ngày 19/11/2024, sau khi nữ ca sĩ biểu diễn và công khai ủng hộ bà Harris tại một sự kiện ở Houston. Nhưng mẹ của Beyoncé, bà Tina Knowles, khẳng định đây là “lời dối trá trắng trợn”, cho biết con gái bà thậm chí còn tự chi trả chi phí di chuyển cho bản thân và ekip tham gia.
Bruce Springsteen cũng được cho là nhận 75.000 USD cho “chi phí đi lại và sản xuất sự kiện” sau buổi biểu diễn của ông tại bang Georgia vào tháng 10/2024. Tuy nhiên, nghệ sĩ này chưa lên tiếng phản hồi về vấn đề trên.
Các chuyên gia về luật bầu cử được ABC News phỏng vấn cho biết không có quy định nào từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) cấm các chiến dịch tranh cử trả tiền cho người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng để nhận được sự ủng hộ, miễn là các khoản thanh toán được công khai đúng quy định. Việc quản lý nghĩa vụ công khai nội dung tài trợ thuộc quyền giám sát của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC).
Cố vấn cấp cao của chiến dịch Harris - bà Adrienne Elrod - cũng nhấn mạnh chiến dịch hoàn toàn tuân thủ luật pháp.
“Chúng tôi chưa từng trả thù lao cho bất kỳ nghệ sĩ hay người biểu diễn nào. Các khoản thanh toán chỉ dành cho chi phí hậu cần như sân khấu, âm thanh, ánh sáng đúng với yêu cầu của FEC”, bà Elrod chia sẻ với trang Deadline.
Dù lên tiếng chỉ trích bà Harris, ông Trump cũng từng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nghệ sĩ trong các chiến dịch tranh cử trước đây. Tuy nhiên, không tìm thấy bất kỳ hồ sơ tài chính nào được phát hiện cho thấy chiến dịch của ông hoặc các tổ chức liên quan từng chi tiền cho họ.
Ca sĩ nhạc đồng quê Lee Greenwood - tác giả ca khúc “God Bless the USA” thường vang lên tại các buổi vận động của Trump - từng xác nhận ông “không nhận bất kỳ khoản thù lao nào” từ chiến dịch của Trump hay Trump Organization, đồng thời cho biết ông “tự hào được sát cánh” cùng vị tổng thống mới của nước Mỹ.
Phương Linh