Lời đề nghị trên được Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên mạng xã hội, trong đó ông Trump nói rằng hai tuyến kênh đào Panama và Suez quan trọng bậc nhất thế giới sẽ không tồn tại nếu không có sự đóng góp của Mỹ.
Tổng thống Trump cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Marco Rubio ngay lập tức xử lý chỉ đạo trên.
Kênh đào Panama. (Ảnh: Reuters)
Động thái của ông Trump diễn ra trong bối cảnh suốt nhiều tháng qua, ông đã liên tục kêu gọi Mỹ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Ngay sau bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc phải cho tàu thuyền Mỹ tự do đi lại qua hai tuyến kênh đào Panama và Suez, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho biết mức phí qua kênh do Cơ quan Kênh đào Panama (ACP) quản lý.
"Không có thỏa thuận nào trái với quy định hiện hành", ông Mulino khẳng định, nhưng không đề cập đến tuyên bố của ông Trump.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Mỹ mong muốn đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến Mỹ được ưu tiên và miễn phí lưu thông qua kênh đào Panama.
Ông Hegseth thậm chí gợi ý khả năng triển khai quân đội Mỹ trở lại Panama để bảo vệ tuyến đường chiến lược. Tuy nhiên, ý tưởng trên đã nhanh chóng bị chính phủ Panama bác bỏ.
Theo báo The Guardian, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số những quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất. Khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ được vận chuyển qua tuyến hàng hải trọng yếu này.
Trong khi đó, kênh đào Suez của Ai Cập là tuyến hàng hải quan trọng nối châu Âu và châu Á, từng chiếm đến 10% thương mại hàng hải toàn cầu trước khi xảy ra các cuộc tấn công trên biển Đỏ và vịnh Aden.
Đặc biệt, Ai Cập thông báo doanh thu từ kênh đào Suez đã giảm 60% trong năm 2024, tương đương khoản thiệt hại 7 tỷ USD. Trong khi nhiều tàu thuyền phải đổi hướng đi qua mũi Hảo Vọng, làm tăng chi phí vận tải biển.
Lưu Gia Huy