Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra những tuyên bố được cho là một sự thay đổi lớn về cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine khi ông công bố vũ khí mới cho Kiev và đe dọa trừng phạt những ai mua hàng xuất khẩu của Moscow.
Đáng chú ý, cả hai điều này đều đi kèm các điều kiện: Lời đe dọa trừng phạt Nga của ông Trump đi kèm với thời hạn 50 ngày, trong khi việc gửi vũ khí Mỹ tới Ukraine sẽ được các nước châu Âu tài trợ.
Ngồi cùng Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 14/7, Tổng thống Trump tuyên bố rằng các vũ khí trị giá hàng tỷ USD sẽ được ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chế tạo và chi phí do các nước châu Âu trả.
"Chúng tôi sẽ sản xuất những vũ khí hàng đầu và chúng sẽ được gửi đến NATO", Trump nói, đồng thời cho biết thêm rằng các vũ khí này sẽ bao gồm tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine đang rất cần.
"Chúng ta sẽ sớm có một số khẩu đội pháo đến, trong vòng vài ngày tới... một vài quốc gia đang sở hữu Patriot sẽ chuyển giao những khẩu đội pháo mà họ đang có và sau đó nhận hàng thay thế", ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 14/7/2025. Ảnh: The Guardian
Về phần mình, ông Rutte ca ngợi quyết định của Tổng thống Mỹ là "rất quan trọng" và là bằng chứng nữa cho thấy châu Âu đang tăng cường hành động.
Ông cũng kể tên các quốc gia muốn tham gia vào việc tái vũ trang cho Ukraine, bao gồm Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Vương quốc Anh, Hà Lan và Canada.
Từ lâu đã quyết tâm chuyển gánh nặng quốc phòng xuyên Đại Tây Dương sang châu Âu, ông Trump liên tục nhấn mạnh rằng vũ khí được bán cho châu Âu là "tốt nhất thế giới" và sẽ tạo ra "hàng tỷ USD" doanh thu – và trên hết, rằng cuộc chiến đã bắt đầu từ thời người tiền nhiệm của ông.
"Đây không phải là cuộc chiến của Trump", ông nói. "Chúng tôi ở đây để cố gắng hoàn tất và giải quyết nó".
Dù quyết định về vũ khí cho Ukraine vẫn theo chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, đây vẫn là một sự thay đổi đáng kể trong cuộc xung đột vốn đã kéo dài gần 3 năm rưỡi ở châu Âu.
Việc ông Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Nga, nếu được thực hiện, cũng sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách trừng phạt của phương Tây. Các nhà lập pháp lưỡng đảng ở Mỹ đang thúc đẩy một dự luật cho phép các biện pháp như vậy, nhắm vào các quốc gia mua dầu của Nga.
Kể từ đầu cuộc chiến bùng phát vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã cắt đứt hầu hết các mối quan hệ tài chính của họ với Moscow, nhưng vẫn kiềm chế không thực hiện các bước hạn chế Nga bán dầu của mình ở nơi khác. Điều đó đã cho phép Moscow tiếp tục kiếm được hàng trăm tỷ USD từ việc vận chuyển dầu tới các khách hàng châu Á.
"Chúng tôi sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp", ông Trump nói. "Nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận trong 50 ngày, thì rất đơn giản, và họ sẽ bị áp thuế 100%".
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, điều đó nghĩa là ông Trump đang ám chỉ việc áp thuế 100% lên hàng hóa Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các quốc gia khác mua hàng xuất khẩu của Nga.
85 trong số 100 Thượng nghị sĩ Mỹ đang đồng bảo trợ một dự luật cho phép Tổng thống Mỹ áp đặt mức thuế 500% lên bất kỳ quốc gia nào giúp đỡ Nga, nhưng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện vẫn đang chờ ông Trump "bật đèn xanh" để đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Minh Đức (Theo Politico, Reuters)