Ông Trump tới Trung Đông: 2.000 tỉ USD đầu tư và cú sốc địa chính trị

Ông Trump tới Trung Đông: 2.000 tỉ USD đầu tư và cú sốc địa chính trị
5 giờ trướcBài gốc
Bốn ngày, ba quốc gia, hàng nghìn tỉ USD đầu tư và một sự chuyển dịch địa chính trị trong cách tiếp cận của Mỹ với khu vực là những gì nổi lên từ chuyến công du tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Đông.
Từ ngày 13 đến 16-5, ông Trump đã thăm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai.
Dưới đây là những điểm nổi bật trong chuyến công du của ông Trump đến Trung Đông, theo kênh Al-Jazeera.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên chuyên cơ Air Force One từ thủ đô Abu Dhabi (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào ngày 16-5, kết thúc chuyến thăm Trung Đông. Ảnh: EPA-EFE
Bác bỏ chủ nghĩa can thiệp
Phát biểu tại một hội nghị đầu tư ở thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 13-5, ông Trump cổ vũ cách tiếp cận thực tế đối với Trung Đông, trong đó Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia này.
Tổng thống Mỹ công kích các nhân vật theo chủ nghĩa tân bảo thủ, những người từng giám sát các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, đồng thời ca ngợi các lãnh đạo vùng Vịnh vì đã thúc đẩy sự phát triển của khu vực.
“Sự chuyển mình vĩ đại này không đến từ sự can thiệp của phương Tây hay việc cử người trên những chiếc máy bay lộng lẫy đến đây giảng giải cho quý vị cách sống và cách điều hành đất nước mình” - ông Trump nói.
“Những công trình bằng đá cẩm thạch sáng bóng ở Riyadh và Abu Dhabi (UAE) không được tạo nên bởi những người tự xưng là ‘kiến tạo quốc gia’, các nhà tân bảo thủ hay các tổ chức phi lợi nhuận tự do - những người đã tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD mà vẫn thất bại trong việc phát triển Kabul (Afghanistan), Baghdad (Iraq) và biết bao TP khác - tạo nên” - nhà lãnh đạo Mỹ bổ sung.
Phớt lờ Israel nhưng Gaza vẫn chưa có lối thoát
Hiếm khi một tổng thống Mỹ đến thăm Trung Đông mà lại không ghé Israel, nhưng ông Trump đã bỏ qua đồng minh thân cận này khỏi lịch trình điểm đến trong chuyến công du khu vực.
Việc ông Trump bỏ qua Israel không khỏi khiến nhiều người băn khoăn về mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và chính phủ của Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu.
Chuyến đi trong tuần này cũng diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến hàng loạt động thái mà không ít người cho là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang gạt Israel ra bên lề. Washington tiếp tục đàm phán với Iran — đối thủ của Israel, công bố một thỏa thuận ngừng bắn với nhóm vũ trang Houthis (Yemen) và tiến hành đàm phán đơn phương với lực lượng Hamas (Gaza) để Hamas thả binh sĩ người Mỹ gốc Israel Edan Alexander.
Một điều nữa, trong chuyến công du này, Tổng thống Trump không hề đề cập đến việc thúc đẩy thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Saudi Arabia và Israel — một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Hiện vẫn chưa rõ các quyết định của ông Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ đặc biệt giữa Washington và Tel Aviv, nhưng các chuyên gia nhận định rằng Mỹ không còn xem Trung Đông chỉ qua lăng kính của Israel.
“Đây có phải là vấn đề chiến lược đối với ông Netanyahu và toàn bộ giới vận động hành lang thân Israel không? Tôi nghĩ là có” - ông Khaled Elgindy, chuyên gia tại ĐH Georgetown (Mỹ), nhận định về sự thay đổi lập trường của ông Trump.
“Việc loại Israel ra khỏi lịch trình làm rối loạn cả guồng máy, bởi tổng thống công khai thể hiện sự khác biệt trong cách ra quyết định với Israel không chỉ trên lời nói, mà còn bằng hành động” - ông Elgindy bổ sung.
Trong bối cảnh này, một số người ủng hộ Palestine hy vọng rằng chuyến công du của tổng thống Mỹ sẽ mở ra cơ hội để Washington theo đuổi một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.
Thế nhưng, trong lúc ông Trump đang ở Trung Đông, thì Israel lại gia tăng các đợt không kích ở Gaza. Không có thỏa thuận ngừng bắn nào được công bố, bất chấp việc các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục tại thủ đô Doha (Qatar).
Gỡ bỏ trừng phạt với Syria
Trong một động thái gây bất ngờ, ông Trump ngày 13-5 tuyên bố sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria. Tổng thống Mỹ cũng đã gặp Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmad al-Sharaa vào ngày 14-5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: HOÀNG GIA SAUDI ARABIA
Ông Trump cho biết ông đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria theo đề nghị của Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nhà Trắng ngày 14-5 cho biết rằng Tổng thống Trump đã đưa ra một danh sách yêu cầu đối với ông al-Sharaa, bao gồm việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và trục xuất các “phần tử khủng bố người Palestine”.
Trở lại vấn đề Israel phía trên, các quyết định của ông Trump với Syria được cho là điều không dễ dàng chấp nhận với Tel Aviv, khi Syria là một trong những láng giềng căng thẳng an ninh từ lâu nay.
Cây gậy và củ cà rốt cho Iran
Tại Saudi Arabia, ông Trump nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận với Iran và muốn điều đó diễn ra nhanh chóng.
“Chúng tôi thực sự muốn họ trở thành một quốc gia thành công. Chúng tôi muốn họ là một đất nước tuyệt vời, an toàn, vĩ đại, nhưng họ không thể sở hữu vũ khí hạt nhân. Bây giờ là thời điểm thích hợp để họ lựa chọn” - tổng thống Mỹ nói về Iran.
Ông Trump cảnh báo rằng nếu Iran từ chối “cành ô liu” mà ông đưa ra thì Mỹ sẽ áp đặt một đòn “áp lực tối đa khổng lồ” nhằm vào Tehran và bóp nghẹt nguồn xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Đáng chú ý, ông Trump không đe dọa hành động quân sự cụ thể nào đối với Iran, đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt so với những phát ngôn trước đây của ông. Vào cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Mỹ từng nói với NBC News: “Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có đánh bom”.
Iran khẳng định nước này không theo đuổi vũ khí hạt nhân và sẵn sàng chấp nhận một chương trình giám sát nghiêm ngặt đối với các cơ sở hạt nhân của mình.
Diễn biến này tiếp tục là đòn tiêu cực với Israel khi Iran là đối thủ số một trong khu vực. Israel và một số nhân vật cứng rắn trong chính quyền Mỹ muốn Iran tháo dỡ hoàn toàn chương trình hạt nhân chứ không chỉ cắt giảm. Các quan chức Mỹ và Iran đã tiến hành nhiều vòng đàm phán trong năm nay, nhưng Tehran cho biết vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức nào từ Washington.
Một số quốc gia vùng Vịnh, bao gồm ba nước mà ông Trump đã đến thăm trong tuần này, đã hoan nghênh các cuộc đàm phán hạt nhân, trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và các nước láng giềng Ả Rập đã trở nên ổn định hơn trong những năm gần đây.
Rất nhiều đầu tư
Tại Trung Đông, ông Trump đã công bố các thỏa thuận để Saudi Arabia, Qatar và UAE mua vũ khí Mỹ và đầu tư vào các công ty Mỹ. Theo Nhà Trắng, ông Trump đã thu hút tổng cộng 2.000 tỉ USD đầu tư từ Trung Đông trong chuyến đi này.
Chính quyền Mỹ gọi các thỏa thuận này như một chiến thắng chính trị và kinh tế lớn dành cho ông Trump.
“Trong khi Tổng thống Joe Biden mất gần bốn năm để thu hút được 1.000 tỉ USD đầu tư, thì Tổng thống Trump đã đạt được con số này chỉ trong tháng đầu tiên, với các cam kết đầu tư bổ sung vẫn tiếp tục đổ về” - theo tuyên bố của Nhà Trắng.
“Tổng thống Trump đang thúc đẩy đầu tư vào nước Mỹ và đảm bảo các thỏa thuận thương mại công bằng trên toàn thế giới, mở đường cho một Thời đại Hoàng kim mới của sự thịnh vượng bền vững cho các thế hệ tương lai” - tuyên bố cho biết thêm.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/ong-trump-toi-trung-dong-2000-ti-usd-dau-tu-va-cu-soc-dia-chinh-tri-post850224.html