Ông Trump tránh 'lằn ranh đỏ', không cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine

Ông Trump tránh 'lằn ranh đỏ', không cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine
9 giờ trướcBài gốc
“Không, chúng tôi không muốn làm điều đó", Tổng thống Trump trả lời các phóng viên hôm 15/7, khi ông rời Nhà Trắng để tới một sự kiện ở Pittsburgh.
Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo châu Âu thời gian gần đây, ông Trump được cho là không hoàn toàn bác bỏ khả năng cho phép Ukraine tiếp cận một số loại vũ khí tấn công, bao gồm cả những khí tài mà Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhiều lần yêu cầu Mỹ viện trợ nhưng chưa nhận được. Các nguồn tin am hiểu nội dung thảo luận đã xác nhận điều này.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Một trong những điểm đáng chú ý là việc ông Trump đã đặt câu hỏi với các cố vấn và lãnh đạo Ukraine về khả năng thực hiện các cuộc tấn công sâu bên trong nước Nga. Theo tiết lộ của Financial Times, trong một cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Nga Zelensky, Tổng thống Mỹ đã hỏi thẳng về khả năng Ukraine có thể tấn công Moscow và St. Petersburg.
Hai quan chức Mỹ, bao gồm một trợ lý Nhà Trắng, cho biết câu hỏi này nằm trong chuỗi các vấn đề được ông Trump đặt ra trong cuộc gọi và dường như chỉ mang tính chất “thăm dò” hơn là một chỉ đạo chính thức.
Tuy nhiên, phía Ukraine đã tiếp nhận thông tin một cách nghiêm túc. Nguồn tin thân cận với chính quyền Kiev tiết lộ rằng ông Zelensky trả lời rằng các cuộc tấn công như vậy hoàn toàn khả thi, miễn là Ukraine có trong tay đủ vũ khí phù hợp. Cuộc đối thoại đã mở ra thêm các cuộc thảo luận giữa Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu về khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev.
Trên chiến trường, Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào khu vực Moscow và vùng phụ cận St. Petersburg - một tín hiệu rõ ràng cho thấy Kiev đang đẩy mạnh áp lực quân sự trực tiếp lên trung tâm đầu não của Nga.
Tuy nhiên, cùng ngày, ông Trump nhấn mạnh rằng Ukraine không nên nhắm vào các trung tâm đô thị của Nga. “Không, ông ấy không nên nhắm vào Moscow", ông Trump nói, ám chỉ đến Tổng thống Zelensky, đồng thời, ông khẳng định mình không đứng về phía bất kỳ phía nào trong cuộc chiến hiện tại.
“Tôi không đứng về phe nào cả. Anh biết tôi ủng hộ bên nào không? Nhân loại", ông Trump nói thêm.
Sau khi Financial Times công bố chi tiết về cuộc điện đàm, Nhà Trắng đã lên tiếng đính chính rằng phát ngôn của ông Trump bị hiểu sai.
“Tổng thống Trump chỉ đơn giản là đặt câu hỏi. Ông ấy không cổ vũ cho bạo lực hay mở rộng chiến tranh. Ông ấy đang làm việc không mệt mỏi để chấm dứt sự đổ máu và kết thúc xung đột này", Thư ký báo chí Karoline Leavitt nói với CNN.
Khi được hỏi liệu tên lửa tầm xa có nằm trong kế hoạch mới mà NATO công bố hôm thứ 15/7 hay không, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết: “Kế hoạch bao trùm cả năng lực phòng thủ và tấn công, nên không loại trừ bất kỳ loại vũ khí nào. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thảo luận chi tiết với Tổng thống vào hôm qua. Vấn đề này đang được Bộ Quốc phòng Mỹ, Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu và phía Ukraine tiếp tục xử lý".
Trong khi đó, đặc phái viên NATO của Trump, ông Matt Whitaker, cho biết trọng tâm trước mắt vẫn là các hệ thống phòng không, điển hình là các khẩu đội tên lửa Patriot. Tuy nhiên, ông Whitaker cũng để ngỏ khả năng chuyển giao các vũ khí tấn công cho Kiev.
“Tất cả vũ khí đều mang tính hai mặt, vừa phòng thủ vừa tấn công. Hệ thống phòng không rõ ràng rất quan trọng trong giai đoạn này, nhưng chúng tôi không loại trừ điều gì cả", ông Whitaker nói.
Kết thúc nhiệm kỳ trước, Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine, cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, dù phạm vi hoạt động của loạt tên lửa này chưa đủ tầm để vươn xa tới Moscow hoặc St. Petersburg.
Ông Trump khi đó đã chỉ trích quyết định đó là “một sai lầm lớn”, đồng thời đặt câu hỏi tại sao ông không được tham khảo ý kiến trước khi quyết định được đưa ra.
Trước đây, Ukraine từng đề nghị được trang bị Tên lửa không đối đất tầm xa chung (JASSM), loại vũ khí có thể được phóng từ tiêm kích F-16 — dòng máy bay chiến đấu mà một số quốc gia châu Âu đã viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.
Thay vào đó, ưu tiên hiện tại dường như đang chuyển hướng sang tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine, đặc biệt là thông qua việc mua và triển khai các khẩu đội tên lửa Patriot, vốn được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo do Nga phóng đi. Đây được xem là những hệ thống đầu tiên nằm trong sáng kiến vũ khí mới do Tổng thống Donald Trump công bố hôm thứ 14/7, theo đó các quốc gia châu Âu sẽ đứng ra mua từ Mỹ rồi chuyển giao trực tiếp cho Ukraine.
Các hệ thống vũ khí này dự kiến sẽ được điều chuyển nhanh chóng từ kho dự trữ hiện có tại châu Âu và nhiều khả năng sẽ được bổ sung bằng các đơn hàng mới từ Mỹ do các nước châu Âu đặt mua.
“Về đạn dược và tên lửa, từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ theo sát từng giờ để đảm bảo chúng đến được Ukraine. Nhưng tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng không chỉ riêng Patriot mới quan trọng. Các hệ thống đánh chặn tên lửa hành trình khác cũng đóng vai trò thiết yếu trong lớp phòng thủ đa tầng của Ukraine", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Jake Tapper của CNN hôm 14/7.
Ông Rutte nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xem xét toàn bộ danh mục mà Mỹ có thể cung cấp, với điều kiện không làm suy yếu năng lực phòng thủ của chính nước Mỹ".
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ong-trump-tranh-lan-ranh-do-khong-cung-cap-vu-khi-tam-xa-cho-ukraine-post1215012.vov