Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.
Tuyên bố được đưa ra sau một bài báo cho rằng Tổng thống Mỹ đã khuyến khích Kiev thực hiện các cuộc tấn công tầm xa sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 cho biết ông đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng không nên nhắm mục tiêu vào Moscow trong các cuộc tấn công quân sự. Tuyên bố này nhằm phản hồi thông tin từ truyền thông cho rằng ông từng khuyến khích Kiev tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tờ Financial Times ngày 15/7 đưa tin rằng ông Trump đã hỏi riêng ông Zelensky liệu ông có thể tấn công Moscow và St. Petersburg nếu Washington cung cấp vũ khí tầm xa hay không. Theo báo cáo, ông Zelensky đã trả lời rằng ông có thể.
Khi được các phóng viên hỏi liệu ông Zelensky có nên phóng tên lửa vào thủ đô Nga hay không, Ông Trump trả lời: “Không, ông ấy không nên nhắm vào Moscow”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã lên tiếng chỉ trích bài báo của Financial Times, cáo buộc tờ báo này bóp méo lời Tổng thống. “Tờ báo này nổi tiếng với việc trích dẫn sai lệch nghiêm trọng để câu view vì họ đang mất độc giả”, bà nói.
Bà Leavitt khẳng định rằng ông Trump “chỉ đơn giản là đặt câu hỏi, chứ không phải khuyến khích leo thang chiến sự”, đồng thời nhấn mạnh rằng Tổng thống “đang làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn đổ máu và chấm dứt cuộc chiến này”.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng đưa ra bình luận về báo cáo này, lưu ý rằng “thông thường, tất cả những điều này hóa ra là tin giả”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng “đôi khi thực sự có những rò rỉ nghiêm trọng, ngay cả từ các ấn phẩm mà chúng tôi từng coi là khá đáng tin”.
Bài báo của Financial Times được công bố ngay sau tuyên bố tối hậu thư của ông Trump với Moscow, trong đó ông đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế phụ nghiêm khắc đối với các đối tác thương mại của Nga nếu không có tiến triển nào về hòa bình trong vòng 50 ngày. Ông Trump cũng thông báo sẽ chuyển giao các hệ thống vũ khí tiên tiến cho Ukraine trong thời gian tới, với kinh phí do các nước thành viên NATO châu Âu chi trả.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump liên tục khẳng định mong muốn các quốc gia láng giềng hòa giải, và ông đã có một số cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tập trung vào việc giải quyết xung đột.
Về phía Nga, chính phủ cho biết vẫn sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi nào về thời gian nối lại các cuộc hòa đàm. Hai bên đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul trong năm nay, tuy nhiên chưa đạt được bước đột phá nào, ngoại trừ thỏa thuận thực hiện trao đổi tù binh quy mô lớn.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 15/7 phát biểu rằng các nhà lãnh đạo EU và NATO đang gây “áp lực không đúng đắn” lên Tổng thống Trump nhằm buộc ông có lập trường cứng rắn hơn trong cuộc xung đột.
Huyền Chi