Trong bối cảnh các cuộc biểu tình liên tục xảy ra tại một số thành phố của Pakistan, hàng nghìn người đề nghị chính quyền rà soát, đánh giá các thỏa thuận thua lỗ của Pakistan với các IPP, yêu cầu giảm giá điện, hủy các loại thuế bổ sung mới được đưa ra và nhiều biện pháp khác nhằm cải thiện tình hình khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong nước.
Ngành điện đặt gánh nặng nghiêm trọng lên người tiêu dùng trong nước. Ảnh: ST
Pakistan hiện có giá điện cao nhất trong khu vực. Hiện, nợ tuần hoàn của ngành năng lượng trong năm 2024 đã đạt 5,422 nghìn tỷ rupi. Trong khi đó, nhiều IPP đang được trả hàng tỷ rupi mặc dù không sản xuất ra sản lượng điện nào.
Trong đơn kiến nghị của Liên đoàn, FPCCI đã đề xuất Tòa án Tối cao và Chính phủ Pakistan tiến hành một cuộc kiểm toán điều tra đầu tiên, chi tiết và toàn diện đối với tất cả các IPP, kêu gọi thu hồi những khoản lợi nhuận vượt mức mà các IPP nhận được, đồng thời đàm phán lại tất cả các thỏa thuận với IPP.
FPCCI đã tham chiếu báo cáo dài 288 trang của Ủy ban Kiểm toán ngành điện công bố từ năm 2020. Báo cáo đã xác định hơn 100 tỷ rupi tiền thanh toán vượt mức được trả cho các IPP và khuyến nghị một số hoạt động nhằm xác định các vấn đề của ngành điện, bao gồm tiến hành kiểm toán điều tra và thu hồi các khoản thanh toán vượt mức trước đó.
Báo cáo nhấn mạnh: “Cho đến nay, chưa có một cuộc kiểm toán điều tra nào được tiến hành cũng như chưa có bất kỳ khoản thanh toán vượt mức nào được thu hồi. Đặc biệt, không có lời giải thích công khai nào về lý do tại sao các khuyến nghị trong Báo cáo kiểm toán năm 2020 vẫn chưa được thực hiện”.
Một trong những lý do chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng của Pakistan là ngành điện. FPCCI cho rằng, ngành điện của Pakistan là một ví dụ điển hình về sự thâu tóm từ năm này qua năm khác, người dân Pakistan vẫn tiếp tục phải chịu đựng những bất công, vô lý. Tình hình hiện tại không chỉ đặt gánh nặng nghiêm trọng lên người tiêu dùng trong nước mà còn buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa.
Hiện tại, Pakistan đã lắp đặt công suất phát điện là 45.885 MW. Trong số này, 23.860MW (52%) được lắp đặt bởi các cơ quan nhà nước, trong khi công suất còn lại là 22.043MW (48%) được các IPP lắp đặt. So với công suất phát điện đã lắp đặt 45.885MW, nhu cầu điện tối đa trong mùa hè là khoảng 30.000MW trong khi mức tải tối đa trong mùa đông là gần 12.000MW gây ra tình trạng cung vượt cầu.
FPCCI cho biết: “Ước tính trong năm tài chính 2024-2025, tổng số các khoản thanh toán công suất sẽ là 2,1 nghìn tỷ rupi (bằng khoảng 1,9% tổng sản phẩm quốc nội). Trong năm tài chính 2023-2024, khoảng 45% tiền thanh toán công suất được thực hiện cho các nhà máy do Chính phủ sở hữu, 15% cho các bên tư nhân, chủ yếu là các địa phương và 40% cho các IPP được thành lập theo Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan…
Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Pakistan nhấn mạnh, mặc dù hàng nghìn tỷ rupi được trả dưới dạng chi phí công suất cho các IPP, nhưng tỷ lệ sử dụng công suất thực tế của các IPP rất thấp. FPCCI cho biết thêm, một yếu tố quan trọng nữa Liên đoàn kiến nghị Chính phủ là cần lưu ý đến các khoản chi phí đang tăng theo cấp số nhân, có thể gây ra nhiều rủi ro đáng kể./.
(Theo FPCCI)
Yến Nhi