Hãng điện tử Nhật Bản Panasonic cho biết sẽ cắt giảm 10.000 việc làm trên toàn cầu, tương đương khoảng 4% lực lượng lao động. Ảnh: Reuters.
Theo thông cáo từ Panasonic ngày 10/5, đợt cắt giảm này sẽ diễn ra chủ yếu trong năm tài chính hiện tại, chia đều giữa thị trường nội địa Nhật Bản (5.000 người) và quốc tế (5.000 người), Bloomberg cho biết.
Hoạt động này sẽ bao gồm việc sáp nhập bộ phận, đóng cửa một số cơ sở, chấm dứt các mảng kinh doanh không hiệu quả, và triển khai chương trình nghỉ hưu sớm cho nhân viên tại Nhật.
Panasonic dự kiến khoản chi phí tái cấu trúc lên tới 130 tỷ yen (tương đương 896 triệu USD) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2026. Phần lớn chi phí này sẽ được ghi nhận ở mảng kinh doanh đời sống (Lifestyle) bao gồm điện tử gia dụng, thiết bị sưởi và thông gió - chiếm gần 50%, và khoảng 40% còn lại đến từ các lĩnh vực khác như công ty mẹ. Mảng năng lượng - vốn đang là động lực tăng trưởng - sẽ không bị ảnh hưởng trong kế hoạch này.
“Chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh tay để định hình lại cơ cấu chi phí cố định”, Tổng giám đốc điều hành Panasonic - ông Yuki Kusumi phát biểu trong buổi công bố kết quả kinh doanh.
“Tôi thực sự xin lỗi, nhưng nếu không hành động ngay lúc này, chúng tôi sẽ không thể theo kịp các cơ hội tăng trưởng trong tương lai”, ông Kusumi nói.
Panasonic hiện là nhà cung cấp pin lithium-ion chính cho Tesla tại Mỹ, với doanh số từ các nhà máy tại đây đang tăng trưởng đáng kể. Mặc dù vậy, nhu cầu tại các thị trường khác lại suy giảm, khiến tổng lợi nhuận hoạt động dự kiến giảm 13% xuống còn 370 tỷ yen (2,55 tỷ USD) trong năm tài chính này.
Ngược lại, riêng mảng năng lượng, đặc biệt là sản xuất pin xe điện, được dự báo tăng trưởng mạnh. Panasonic đặt mục tiêu nâng lợi nhuận hoạt động của mảng này thêm 39%, lên mức 167 tỷ yen (1,15 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2026, nhờ nhu cầu tăng với cả pin và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Tập đoàn hiện có khoảng 228.000 nhân viên trên toàn thế giới. Với chiến lược tái cấu trúc toàn diện, Panasonic đặt mục tiêu đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 10% vào năm tài khóa kết thúc tháng 3/2029, và lợi nhuận hoạt động điều chỉnh tối thiểu 600 tỷ yen (4,14 tỷ USD) vào tháng 3/2027, theo Reuters.
Trong một thông tin liên quan, công ty cũng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát hiệu quả vận hành tại các công ty con, đặc biệt là trong các bộ phận bán hàng và hành chính như một phần trong bản cập nhật chiến lược đã công bố từ tháng 2 năm nay.
Dù đã cải thiện hiệu quả ở mảng TV nhờ các liên minh chiến lược, Panasonic cho biết điều đó vẫn chưa đủ để vực dậy toàn bộ lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
“Chúng tôi đang xem xét nhiều khả năng, bao gồm mở rộng hợp tác chiến lược trong và ngoài nước”, ông Kusumi nói thêm.
Panasonic cũng chưa tính đến tác động từ các mức thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản - điều có thể ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng lợi nhuận trong tương lai.
Phương Linh