Chiều 10/5, Tổ thảo luận số 3 gồm đại biểu Quốc hội các đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Thuận thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tổ thảo luận số 3 gồm đại biểu Quốc hội các đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Thuận thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sử dụng năng lượng xanh, sạch, giảm rác thải, bảo vệ môi trường
Thảo luận về dự thảo Luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong trường hợp không thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng, biện pháp quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả bắt buộc trong thiết kế, thi công, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng.
Từ đó, đại biểu đề nghị luật hóa quy định bắt buộc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đơn cử như việc sử dụng điều hòa nhiệt độ inverter tiết kiệm điện; kết hợp với sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm rác thải, bảo vệ môi trường.
Về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng, theo đại biểu đây là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm, đặc biệt là việc xử lý, tái chế tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện. Đại biểu đề nghị sửa điểm c, khoản 1, Điều 13 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đảm bảo phù hợp với thực tiễn sử dụng điện tái tạo và thống nhất với Luật Điện lực năm 2024. Theo đó, cơ sở phát điện cần phải tuân thủ phương thức huy động của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm điện tự dùng; thu gom, xử lý, tái chế tro, xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện, tấm quang điện, thiết bị lưu trữ điện, cánh quạt tua bin gió và các thiết bị điện khác thải bỏ theo quy định.
Đảm bảo hài hòa giữa khai thác, vận hành công trình thủy điện và an toàn hồ đập
Về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu đề nghị bổ sung quy định sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích tại Điều 23 của luật hiện hành để đảm bảo thống nhất với pháp luật về thủy lợi và tài nguyên nước.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia thảo luận tổ chiều 10/5.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, hiện nay, việc khai thác, sử dụng, vận hành các hồ chứa nước, liên hồ chứa nước để vừa sử dụng tiết kiêm năng lượng vừa đảm bảo an toàn hồ đập đang là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Hằng năm, vào mùa mưa lũ, việc hài hòa giữa an toàn hệ thống hồ đập, tránh ngập lụt và việc vận hành, khai thác các công trình thủy điện luôn được dư luận quan tâm. Do đó, cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật.
Liên quan đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu đề nghị bổ sung nhiệm vụ sơ kết, tổng kết gắn với công tác thi đua khen thưởng, chỉ đạo nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao nhằm đảm bảo đầy đủ, toàn diện và có tính khả thi trong công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mới trong các ngành nghề, lĩnh vực vào dự thảo luật.
Tiến Nam - Thúy An