Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu
Thông tin từ Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu, ngày 21/7, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì.
Theo báo cáo sơ kết, mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực DNNN.
Tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2025 ước ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, ước đạt 60,9% kế hoạch và bằng 93,1% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách Nhà nước ước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, ước đạt 54,6% kế hoạch và bằng 96,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tổng doanh thu tài chính Công ty mẹ ước ước đạt 662 nghìn tỷ đồng, ước đạt 48,7% kế hoạch và bằng 100,07% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, ước đạt 67% so với kế hoạch và bằng 231,9% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách nhà nước ước ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, ước đạt 59,3% so với kế hoạch và bằng 80,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng Petrovietnam có tổng doanh thu ước đạt 510.000 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất ước đạt 310.000 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 66.500 tỷ đồng. Kết quả của Petrovietnam chiếm 48% tổng doanh thu và 64,8% nộp ngân sách Nhà nước toàn khối DNNN thuộc Bộ Tài chính, cho thấy những nỗ lực vượt khó của Tập đoàn trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu chịu nhiều biến động mạnh thời gian qua, từ đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh kinh cho đất nước.
Petrovietnam lần lượt chiếm 48% và 64,8% tổng doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước toàn khối DNNN thuộc Bộ Tài chính
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển DNNN (Bộ Tài chính) đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu đã chủ động, nỗ lực ổn định hoạt động SXKD, bảo đảm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
Cụ thể trong tình hình từng lĩnh vực, về năng lượng, đối với lĩnh vực điện: 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có tổng sản lượng ước đạt khoảng 178 tỷ k Wh. Trong đó, EVN chiếm khoảng 88% (tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 45% kế hoạch năm 2025), Petrovietnam chiếm khoảng 9% tổng sản lượng (tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch năm 2025), TKV chiếm khoảng 3% tổng sản lượng (tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 54,2% kế hoạch năm 2025).
Trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu, Petrovietnam cơ bản đều bám sát được kế hoạch năm 2025; sản xuất xăng dầu của Petrovietnam 6 tháng đạt 3,87 triệu tấn (tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch năm 2025). Bên cạnh đó, về tiêu thụ xăng dầu, 6 tháng đầu năm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xuất bán toàn Tập đoàn ước đạt 8,7 triệu m3/ tấn (tăng 11,5% so với cùng kỳ, đạt 51,7% kế hoạch năm).
Đối với lĩnh vực than, khoáng sản, sản xuất than sạch, alumin, đồng tấm... của TKV cơ bản đều tăng so với cùng kỳ và bám sát kế hoạch năm 2025.
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước trình bày báo cáo sơ kết Hội nghị
Về vận tải đường hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 12,6% triệu lượt khách (tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm, chiếm thị phần khoảng 30,5%) và 165 nghìn tấn hàng hóa (tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 48% kế hoạch năm, chiếm thị phần khoảng 23%); các Cảng hàng không (CHK), sân bay đạt khoảng 60 triệu lượt khách, 817 nghìn tấn hàng hóa (tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 51,8% kế hoạch năm).
Vận tải đường bộ, đạt khoảng 36,6 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Vận tải biển và đường sắt bằng và tăng so với cùng kỳ, bám sát kế hoạch năm 2025.
Về sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp sản lượng cũng cơ bản tăng trưởng so với cùng kỳ và bám sát kê hoạch năm 2025.
Về viễn thông, sản lượng DATA 6 tháng đạt 1,35 tỷ GB, tăng 8,4% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch năm 2025.
Hội nghị cũng nghe tham luận của lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo bổ sung kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; trao đổi nhiều nội dung về các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, điện tử viễn thông, kinh doanh vốn Nhà nước… Bên cạnh những kết quả đạt được nổi bật, các doanh nghiệp đã nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách về quản lý và đầu tư vốn: bổ sung vốn điều lệ; cơ chế về sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước... Các chính sách về thuế như: thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế... cũng được các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đấy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi Chính phủ sơ kết công tác 6 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được cụ thể hơn là phấn đấu đạt từ 8,3% - 8,5%, thay vì 8% trở lên như trước đây. Sự điều chỉnh này dựa trên diễn biến thực tế trong nước và quốc tế, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với toàn bộ nền kinh tế, trong đó có Bộ Tài chính và các Tập đoàn, Tổng công ty. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu chính phải tiếp tục rà soát với tinh thần nỗ lực, cố gắng đạt các mục tiêu cao nhất về tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Phương Thảo