Với các diễn biến bất lợi, khó lường của thị trường thế giới trong quý II/2025, Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung bám sát thị trường và tăng tốc đầu tư.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn. Ảnh: Petrovietnam
Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, trong tháng 5 và quý II/2025, áp lực kế hoạch rất lớn nên các đơn vị phải chủ động quản trị biến động trước diễn biến thị trường; tìm ra các động lực mới, triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, đầu tư, thị trường đến chuyển đổi số, hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh Bộ Tài chính giao.
Bên cạnh đó, Petrovietnam sẽ lên kế hoạch tăng cường hiệu suất vận hành các nhà máy, tối ưu tài sản, giảm chi phí, gia tăng sản lượng và mở rộng thị trường. Để tăng doanh thu, Petrovietnam sẽ tăng cường mở rộng dịch vụ ngoài, dịch vụ mới tại các đơn vị thành viên như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), cũng như xây dựng kế hoạch quản trị, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.
Cùng đó, các nhà máy điện thuộc Petrovietnam sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu khí, than, kiểm soát suất hao nhiệt, tối ưu chi phí, dòng tiền, cũng như phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) để đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm hiện nay và sắp tới.
Ngoài ra, Petrovietnam cũng chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nghiêm túc đề án phần mềm tích hợp ERP, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản trị hiện đại.
Đối với việc tăng tốc đầu tư, Petrovietnam tập trung nhân lực và tài chính đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Khí Lô B-Ô Môn, Cá Voi Xanh, BK-24, Kình Ngư Trắng, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4... phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch.
Đồng thời, phát huy kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2025, Petrovietnam đặt mục tiêu mỗi tháng đưa vào vận hành thương mại một công trình mới, từ nay đến hết năm, từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững trong năm 2025, gắn kết giữa đầu tư, sản xuất và mở rộng thị trường.
Petrovietnam cũng tiếp tục chủ động liên kết với các tập đoàn hàng đầu trong khu vực công – tư để mở rộng dư địa, gia tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo sức mạnh tổng hợp, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá và vững bước hội nhập.
Theo Petrovietnam, trong 4 tháng đầu năm, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI toàn cầu giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm tới 25%, dao động quanh mức 60-65 USD/thùng. Những biến động này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam.
Giàn WHP-DH01, thuộc dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3, chính thức khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên vào ngày 7/5/2025. Ảnh: Petrovietnam
Tuy vậy, Petrovietnam vẫn giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm. Tính đến hết tháng 4, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất chính của Tập đoàn đạt và vượt kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao như: sản xuất phân đạm ure, phân NPK, xăng dầu, khí LPG, polypropylene....
Nhờ vậy, lũy kế 4 tháng, doanh thu của Petrovietnam đạt 323.251 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 45.550 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư trong 4 tháng đạt 10.227 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm, dự án phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 của Petrovietnam đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 20 ngày, do 100% lực lượng người Việt Nam trong hệ sinh thái Petrovietnam đảm trách, góp phần quan trọng gia tăng sản lượng và cung ứng nguyên liệu cho sản xuất điện trong cao điểm mùa khô hiện nay, đặc biệt các nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 chuẩn bị đi vào hoạt động.
Bên cạnh hoạt động sản xuất trong nước, việc mở rộng dư địa cũng được Petrovietnam đẩy mạnh thông qua hợp tác quốc tế: Ký thỏa thuận gia hạn hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm với Petronas; ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và lĩnh vực năng lượng tại nước này;...
Cùng đó, Petrovietnam đã chủ động mở rộng hợp tác trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu khu vực nhà nước và tư nhân (Viettel, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ACV, Tập đoàn Cong nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát...) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành, qua đó, khẳng định vai trò doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt của Tập đoàn.
Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN