Đại biểu Quốc hội , PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một người tâm huyết với giáo dục nước nhà. Ông đã từng nhiều lần lên tiếng trước những vấn đề “nóng” của giáo dục, thể hiện trách nhiệm của một nhà khoa học, một người làm giáo dục và một đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội , PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng.
Những ngày gần đây, nhiều chính sách, phát ngôn liên quan đến giáo dục nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận với nhiều quan điểm trái chiều. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã có những chia sẻ thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, sự thay đổi chính sách giáo dục quốc gia rất khó nhận ra giữa đúng và sai, tốt và kém, thành công hay thất bại. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử và ngay cả thì hiện tại tiếp diễn hôm nay. Cũng không phải số huy chương vàng kỳ thi quốc tế, tỷ lệ đỗ trường nổi tiếng hay khả năng xóa mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn... sẽ khẳng định nền giáo dục đã trở thành ưu việt.
Vậy nhưng một xã hội không coi trọng giáo dục, đưa những chuẩn mực không đúng hay đơn giản không đồng thuận trong xây dựng hệ thống giáo dục có định hướng, có triết lý sẽ dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền. Thậm chí nguy hiểm hơn sẽ sinh ra một thế hệ khiến đất nước có nguy cơ bị đe dọa bởi họa tồn vong.
“Chính vì vậy theo tôi, góp ý cho giáo dục phổ thông cần vô cùng thận trọng mặc dù rất dễ "phán". Coi nền giáo dục tạo ra sản phẩm là chính mình đương nhiên sẽ tốt, còn lại là kém hoặc quá kém. Đây là tâm lý của tất cả chúng ta trong đó có bản thân tôi. Ngoài ra hướng ngoại là thực tế không thể chối bỏ của những nước đang phát triển như Việt Nam. Cái gì Tây làm chả tốt, chả phải nghĩ nhiều cứ copy and paste là xong”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay, nhìn vào sự đầu tư cho giáo dục về cơ sở vật chất không quá kém, thậm chí là tốt ở nhiều địa phương có điều kiện kinh tế. Thực tế, có thể thấy, những năm gần đây, rất nhiều ngôi trường mới to đẹp ở khắp nơi, công có, tư có, trăm hoa đua nở.
Như vậy, cái chúng ta thiếu nhiều không phải là trường lớp như trước đây mà là cách tổ chức vận hành những ngôi trường ấy, nói rõ hơn là thầy cô giáo và chương trình dạy. Rất cần chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học và người dạy có đủ kỹ năng để truyền tải đến học sinh. Không thể có một chương trình tuyệt hảo phù hợp cả ở thành thị lẫn nông thôn, đồng bằng và miền núi, người Kinh hay người dân tộc...
Ông Hiếu cho rằng, nên chăng, Bộ GD&ĐT xây dựng một chương trình nền tảng với các kiến thức tối thiểu để đạt được mức giáo dục phổ thông cơ bản. Từ đó, từng địa phương phát triển phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hãy giao cho các địa phương, giao quyền cho các hệ thống trường công, tư như cách Chính phủ đang phân cấp tối đa hiện nay.
Điều quan trọng nhất là cách đánh giá đầu ra phải tường minh, phù hợp để các trường cùng phấn đấu. Kỳ thi cuối cấp sẽ là chỉ số đánh giá quan trọng để các trường đại học lựa chọn sinh viên của mình ví dụ như điểm SAT, ACT (Hoa Kỳ) hoặc kỳ thi Baccalaureate của Pháp.
“Chúng ta đã có quá nhiều các cuộc tranh luận về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tôi không phải là nhà chuyên môn trong lĩnh vực này nên không dám lạm bàn mà chỉ mong hãy dừng việc thay đổi sách giáo khoa. Thay vào đó, ngồi lại tổng kết những bất cập để sửa chữa theo nguyên lý đơn giản hóa tối đa. Chẳng hạn như một chương trình khung để mỗi địa phương thậm chí mỗi trường "cá thể hóa" thành sản phẩm của mình”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.
Khi làm được như vậy, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiệm vụ đơn giản hơn rất nhiều, đó chỉ là xây dựng bộ đề thi có đủ khả năng phân loại, đánh giá năng lực học sinh của mỗi cấp. Bộ sẽ đảm bảo tính công bằng của kỳ thi này để các trường đại học công và dân lập tin tưởng lựa chọn tuyển sinh. “Đơn giản và tường minh là cách lựa chọn tốt nhất cho hệ thống giáo dục của Việt Nam lúc này”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan tới triết lý giáo dục, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu từng chia sẻ, chúng ta đang có quá nhiều triết lý “đao to búa lớn” làm cho chính người học, người dạy không tin tưởng vào những triết lý ấy. Nhiều triết lý giáo dục nghe rất hay nhưng không đạt được mục đích chính là định hướng con đường phát triển giáo dục Việt Nam.
Ông cho rằng, khi ngành giáo dục đang có rất nhiều khủng hoảng, chúng ta nên chọn triết lý giáo dục thật đơn giản nhưng thật dễ hiểu, đó là triết lý giáo dục “Không nói dối”. Theo đó, cần xây dựng nền giáo dục không nói dối ngay từ khi các em còn học mẫu giáo. Bởi nếu nói dối ngay từ nhỏ thì kiến thức rồi cũng sẽ không bền, sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta thấy ngày càng nhiều hơn trong xã hội. Còn khi trẻ đã không nói dối thì em học lễ, học văn… cũng sẽ thành công.
Mai Loan