PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Kỳ thi hành nghề y không nên tách riêng, phải cải tổ ngay từ tốt nghiệp'

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: 'Kỳ thi hành nghề y không nên tách riêng, phải cải tổ ngay từ tốt nghiệp'
6 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết từ năm 2027, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ tổ chức đánh giá độc lập năng lực hành nghề cho 8 chức danh: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y tế, lương y, kỹ thuật viên phục hình răng và dược sĩ hành nghề lâm sàng. Mỗi năm, cả nước có khoảng 55.000–65.000 nhân viên y tế cần được đánh giá.
Tổ chức thi thế nào để không tạo áp lực và chi phí không cần thiết, là điều được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. VietTimes có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại các trường đại học y thành kỳ thi quốc gia có chung ngân hàng đề thi, do Hội đồng Y khoa Quốc gia giám sát.
Toàn bộ 300.000 nhân viên y tế phải “thi lại”?
- Hội đồng Y khoa Quốc giađề xuất mỗi năm sẽ tổ chức một kỳ thi lý thuyết kiểm tra năng lực nghề của cán bộ, nhân viên y tế. Liệu 300.000 cán bộ, nhân viên y tế đang công tác có phải trải qua kỳ thi như nhiều người đang lo ngại không, thưa ông?
- Trước hết, cần khẳng định việc thi lý thuyết để kiểm tra năng lực và cấp giấy phép hành nghề không áp dụng cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đã có giấy phép và đang hành nghề, mà chỉ dành cho các bác sĩ, nhân viên y tế tương lai – những người ra trường từ năm 2027.
Không có chuyện bắt toàn bộ nhân viên y tế đang hành nghề phải thi lại. Bác sĩ đã có giấy phép hành nghề mỗi hai năm học 50 tiết CME là đủ điều kiện gia hạn. Đây là thông lệ quốc tế.
- Kỳ thi nhằm thay thế quá trình học thực hành sau tốt nghiệp của bác sĩ hiện nay, đúng không ông?
- Kỳ thi nhằm nâng cao chất lượng bác sĩ, chuẩn hóa đầu ra, tránh tình trạng bác sĩ tốt nghiệp từ các trường khác nhau có trình độ chênh lệch. Hiện có nhiều trường đào tạo y khoa với chất lượng không đồng đều, dẫn đến bác sĩ ra trường phải đi học thêm 12 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng chất lượng học thực hành thêm cũng không đồng đều. Có người học ở tuyến huyện, có người học ở tuyến trung ương, nhưng đều được cấp phép như nhau. Điều này gây ra bất cập, tốn kém và tạo kẽ hở cho tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (thứ 2, trái sang) trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp.
- Đánh giá năng lực bác sĩ trước khi hành nghề là cần thiết, nhưng kỳ thi liệu có gây áp lực lớn, tổ chức khó khăn, chỉ kiểm tra được lý thuyết mà không sát thực hành?
- Đúng vậy. Ngay với số lượng khoảng 10.000 bác sĩ tốt nghiệp mỗi năm, việc tổ chức thi thực hành quy mô lớn là khó khả thi. Nếu chỉ thi trắc nghiệm lý thuyết, sẽ không thể đánh giá đúng năng lực hành nghề, trong khi nghề y việc thực hành rất quan trọng.
Chưa kể, tổ chức kỳ thi riêng biệt có thể dẫn tới tình trạng bác sĩ đã có bằng nhưng không qua được kỳ thi, nên không được cấp phép hành nghề, nhưng vẫn được treo biển bác sĩ.
- Theo ông, nên tổ chức kỳ thi như thế nào để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ thi nghiêm túc để nâng cao chất lượng bác sĩ, nhưng cần cải cách từ khâu thi tốt nghiệp. Tôi đề xuất không tổ chức kỳ thi riêng biệt sau tốt nghiệp, mà kỳ thi tốt nghiệp tại các trường đại học y nên trở thành kỳ thi quốc gia có chung ngân hàng đề thi, do Hội đồng Y khoa Quốc gia giám sát và chuẩn hóa. Kỳ thi chuẩn sẽ thay thế việc học thêm, giúp đảm bảo chất lượng bác sĩ ngay khi tốt nghiệp.
Trường nào cũng phải tổ chức thi tốt nghiệp, nên cách làm này tiết kiệm chi phí, giảm tiêu cực và giải quyết triệt để: Ai không đủ năng lực sẽ không được công nhận tốt nghiệp, đồng thời giúp xác lập mặt bằng chung giữa bác sĩ tốt nghiệp các trường lớn và các trường mới thành lập hoặc chất lượng kém.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (giữa) vừa khám cho bệnh nhân, vừa hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ.
Cuộc sàng lọc cần thiết
- Tổ chức kỳ thi chung như vậy, liệu có gây áp lực cho các trường có chất lượng đào tạo thấp không?
- Đó là điều tốt. Nếu kỳ thi quốc gia tổ chức nghiêm túc, trường nào tỷ lệ đỗ thấp sẽ không thu hút được thí sinh nữa và buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, hoặc phải đóng cửa. Đây là sự sàng lọc cần thiết, nhất là trong bối cảnh đào tạo y khoa đang bùng nổ.
Tôi từng làm việc với các trường, như Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y -Dược Huế, Đại học Y -Dược TP.HCM - chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức thi chung. Chỉ cần chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi, giám sát thi, là hoàn toàn khả thi.
- Bác sĩ chuyên khoacó cần kỳ thi khác không, thưa ông?
- Có chứ. Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, ví dụ chuyên khoa tim mạch, thì phải thi chuyên khoa I, chuyên khoa II, hoặc được Hội chuyên ngành (ví dụ: Hội Tim mạch Việt Nam) công nhận và trình lên Hội đồng Y khoa Quốc gia xét duyệt. Không thể có chuyện bác sĩ mới ra trường, nhờ quen biết, được nhận vào bệnh viện lớn rồi "lên chức", mà không qua đào tạo chuyên khoa nghiêm túc.
- Ý kiến về một kỳ thi chung là khả thi và nhiều lợi ích, vậy ông đã đề xuất ở Hội đồng Y khoa Quốc gia chưa?
- Có chứ và tôi từng đề xuất tại Quốc hội từ năm 2016. Tôi nhấn mạnh lại: Tổ chức kỳ thi quốc gia tại thời điểm tốt nghiệp là cách hiệu quả, tiết kiệm và công bằng nhất.
-Xin cảm ơn ông đã trao đổi!
* Mời quý độc giả đọc thêm bài:
Bác sĩ thi quốc gia để hành nghề: Bảo vệ quyền lợi người bệnh, hạn chế sai sót y khoa
Thanh Hằng
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/pgsts-nguyen-lan-hieu-ky-thi-hanh-nghe-y-khong-nen-tach-rieng-phai-cai-to-ngay-tu-tot-nghiep-post187162.html